1/ Kết quả đạt được: - Đã lai tạo được 2 giống dừa lai JVA1 (lùn vàng Mã Lai x cao Hijo) và JVA2 (lùn đỏ Mã Lai x cao Hijo) từ nguồn thực liệu trong quỹ gen cây dừa có các đặc điểm như ra hoa sớm, năng suất quả và cơm dừa khô cao (đạt 1,7 - 2,0 tấn cơm dừa khô/ha/năm so với các giống địa phương chỉ đạt 1 tấn cơm dừa khô/ha/năm). - Các giống dừa lai thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, vùng trồng dừa trọng điểm của cả nước. Quả dừa lai thích hợp để chế biến cơm dừa nạo sấy, ép dầu do có hàm lượng dầu cao (hai giống dừa lai có hàm lượng dầu đạt 65,5% so với giống dừa địa phương là 63,5%), góp phần vào chương trình phát triển vùng nguyên liệu cho công nghiệp dầu thực vật. - Hai giống dừa lai JVA1 và JVA2 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tạm thời và chấp thuận cho Viện Nghiên cứu Dầu thực vật sản xuất để phục vụ nhu cầu phát triển dừa hiện nay.
2/ Hiệu quả kinh tế - xã hội: - Việc lai tạo và sản xuất thành công 2 giống dừa lai JVA1 và JVA2 đã góp phần đa dạng hoá cơ cấu giống dừa của đất nước, bổ sung vào bộ giống dừa công nghiệp dùng để lấy dầu, chế biến các sản phẩm có giá trị cao từ cơm dừa, vỏ dừa, gáo dừa… - Việc sử dụng giống dừa lai JVA1 và JVA2 giúp gia tăng thu nhập cho người trồng dừa nhờ cho quả sớm hơn, tăng năng suất và sản lượng quả trên một đơn vị diện tích, góp phần xóa đói giãm nghèo, phát triển nông thôn bền vững. - Hiện nay 2 giống dừa lai JVA1 và JVA2 rất được nông dân ưa chuộng, sản xuất giống đến đâu đều được tiêu thụ đến đó. - Tạo ra thêm công ăn việc làm cho người dân trong cộng đồng trồng dừa nhờ việc chế biến các thành phần của quả dừa (xơ dừa, cơm dừa, gáo dừa, nước dừa…), giúp người dân an tâm trồng dừa, không phá bỏ như thời gian trước đây, điều này giúp cho công nghiệp chế biến dầu thực vật có đủ nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất.
(Nguồn: http://www.ioop.org.vn) |