Lễ Khánh thành Nhà máy Thành Thành Công của Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm.
Theo Niên giám thống kê của Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC), năm 2005 tổng diện tích dừa thế giới là 12,093 triệu ha và vùng Đông Nam Á là 10,594. Sau 10 năm, diện tích dừa thế giới là 12,2 triệu ha và vùng Đông Nam Á là 10,928 triệu ha. Qua số liệu cho thấy tổng diện tích dừa thế giới nói chung và các nước vùng Đông Nam Á nói riêng sau một thời gian dài vẫn ổn định.
Cây dừa được phân bố nhiều nhất ở vùng Đông Nam Á, chiếm 90% diện tích dừa của thế giới. Ba quốc gia có diện tích dừa lớn chiếm ¾ diện tích dừa thế giới là Indonesia (3,6 triệu ha), Philippines (3,5 triệu ha) và Ấn Độ (2,1 triệu ha). Mặc dù có diện tích dừa nhiều nhưng các quốc gia này cũng tiêu thụ nội địa phần lớn các sản phẩm từ dừa họ sản xuất được, như: Indonesia 38,7%, Philippines 35%, Ấn Độ hầu như 100% và Sri Lanka có 440 ngàn ha đất canh tác dừa, nhưng sản xuất và tiêu thụ nội địa khoảng 84%.
“Cây dừa là cây có 1001 công dụng". Một quả dừa bao gồm: Vỏ (xơ) 50%, gáo 15%, thịt (cơm) 25% và nước 10%, tuỳ theo tập quán truyền thống của mỗi quốc gia sẽ có những sản phẩm chế biến từ nguyên liệu dừa theo cách riêng; nhưng chủ yếu được sản xuất từ bốn dòng sản phẩm chính của quả dừa là: vỏ, gáo, cơm và nước dừa. Từ nước dừa sản xuất ra các sản phẩm: Nước dừa ngọt (nước dừa tươi), Nước dừa trưởng thành (nước dừa già), Nước dừa cô đặc, Nata-de-coco (thạch dừa), giấm dừa... ; từ cơm dừa (còn gọi là cùi dừa, thịt dừa) sản xuất ra các sản phẩm, như: cơm dừa nạo sấy, bột dừa, bột dừa sấy khô, bột sữa dừa, sữa dừa, sữa dừa đặc, kẹo dừa, dầu dừa, kem dừa, xi-rô dừa...; từ gáo dừa sản xuất ra than gáo dừa, than hoạt tính, hàng thủ công mỹ nghệ như giá, thìa dĩa, nút áo, cốc đựng kem lạnh được chế biến từ gáo dừa....; từ vỏ dừa sản xuất ra chỉ xơ dừa, dây thừng, thảm, lưới, mụn xơ dừa được sử dụng làm phân bón (sau khi ủ), vật liệu lớp phủ và để làm than bánh dùng làm nhiên liệu thay thế củi cho các ngành công nghiệp gạch ngói. Ngoài ra còn có các sản phẩm khác được sản xuất từ gỗ dừa, lá dừa ...
Cũng theo thống kê của APCC, năm 2005 Việt Nam có 132 ngàn ha dừa và hiện có khoảng 160 ngàn ha, chiếm khoảng 1,3% diện tích dừa thế giới. Sau 10 năm diện tích trồng dừa của Việt Nam chỉ tăng khoảng 22%. Cây dừa Việt Nam được trồng phân tán ở nhiều tỉnh khác nhau và nhiều nhất tại các tỉnh: Bến Tre 68.545 ha, Trà Vinh 19.319 ha, Tiền Giang 15.000 ha, Bình Định 9.400 ha và Vĩnh Long 7.952 ha. Dừa tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 133 ngàn ha, chiếm hơn 83% diện tích dừa của cả nước.
Bến Tre là tỉnh có quy mô dừa lớn nhất cả nước. Trước năm 2005, diện tích dừa ổn định trong khoảng 37.000 - 38.000 ha, năm 2011 là 55.870 ha và năm 2015 là 68.545 ha, giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5,74%/năm. Như vậy, sau 10 năm diện tích dừa của tỉnh tăng gần gấp đôi và chiếm 43% diện tích dừa cả nước. Khoảng 15% diện tích là dừa uống nước và 85% diện tích còn lại trồng các giống dừa cho chế biến công nghiệp hoặc đa dụng. Năng suất dừa Bến Tre thuộc vào nhóm cao khoảng 9.518 trái/ha/năm 2015 và tăng bình quân 2,98%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Sản lượng dừa tăng khá nhanh, từ 259 triệu trái năm 2005 lên 420 triệu trái năm 2010 và 573.14 triệu trái năm 2015, giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 5,99%/năm. Xét về triển vọng, Bến Tre vẫn còn quỹ đất tiềm năng để phát triển vùng chuyên canh dừa trên nền đất chuyển đổi từ cây trồng khác, như đất trồng mía, trồng lúa năng suất thấp hoặc đất lúa nhỏ lẻ.
Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre tuy mới hình thành không lâu nhưng đã có sự phát triển khá nhanh kể cả năng lực chế biến, công nghệ, sản phẩm và thị trường. Hiện toàn tỉnh có hơn 1.920 cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau đã tạo ra các sản phẩm từ dừa đa dạng, phong phú. Hoạt động chế biến dừa của tỉnh tiêu thụ dừa trái ngày càng tăng, hiện công suất chế biến có khả năng tiêu thụ trên 993 triệu trái/nămđã vượt xa sản lượng dừa khô thu hoạch của tỉnh. Ngoài tiêu thụ dừa trong tỉnh, Bến Tre còn là "Chợ dừa" thu hút lượng dừa trái từ các tỉnh lân cận. Công nghiệp chế biến dừa năm 2015 đã tiêu thụ 81,78% tổng lượng dừa thu hoạch trên địa bàn tỉnh đạt 60% công xuất thiết kế. Công nghệ chế biến dừa đầu tư tương đối hiện đại đã tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng, cạnh tranh cao và chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành công nghiệp chế biến, được xem làngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Chuỗi giá trị dừa Bến Tre có bốn dòng sản phẩm chủ yếu được chế biến từ trái dừa, là: từ vỏ dừa khô có hai sản phẩm chính là xơ dừa (chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa, đệm xơ dừa, dây thừng, lưới xơ dừa) và mụn dừa (mụn dừa ép bánh và đất sạch); từ gáo dừa có than gáo dừa, thiêu kết, than hoạt tính, hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị gia tăng cao; từ cơm dừa, có nhiều sản phẩm khác nhau nhưng chủ yếu là cơm dừa nạo sấy, dầu dừa (dầu dừa tinh luyện và dầu dừa tinh khiết), sữa dừa, bột sữa dừa và kẹo dừa; từ nước dừa có nước dừa đóng hộp; thạch dừa, mặt nạ dừa.... Ngoài ra, các sản phẩm phụ khác của cây dừa như vỏ, gáo, cuống hoa, gân lá, thân gỗ dừa, ... cũng được sử dụng để chế tác ra hàng thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm đa dạng khác.
- Về cơ cấu giá trị một số sản phẩm dừa chủ yếu: sữa dừa (nước cốt dừa) chiếm 28,19%, cơm dừa nạo sấy chiếm 17,69%, chỉ xơ dừa chiếm 12,08%, than hoạt tính chiếm 8,5%, kẹo dừa chiếm 9,26%, mụn dừa chiếm 5,15%; than thiêu kết chiếm 1,87%; thạch dừa chiếm 1,19%; các sản phẩm từ dừa khác chiếm 8,25%. Hiện tại các nhà máy chế biến tiêu thụ công nghệ chế biến dừa đầu tư tương đối hiện đại và đã tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng và cạnh tranh cao (sữa dừa, dầu dừa tinh khiết VCO, nước dừa đóng lon….)
- Giá trị sản xuất công nghiệp ngành chế biến dừa: tăng đều và giữ vững tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành công nghiệp. Năm 2006 đạt 480 tỷ đồng (chiếm 20,91%), năm 2010 đạt 820 tỷ đồng (chiếm 24,58%), giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng bình quân 13,52%/năm; năm 2015 đạt 1.296 tỷ đồng (chiếm 15%), giai đoạn 2011 - 2015 tăng 13,58% (giá cố định 1994). Trong năm 2015, hầu hết các sản phẩm chế biến dừa chủ yếu đều tăng khá so với năm 2010, như: Than hoạt tính tăng 65,44%/năm; Cơm dừa nạo sấy tăng 4,74%/năm, Bột sữa dừa tăng 14,82%/năm; Sữa dừa: tăng 56,88%/năm; Chỉ xơ dừa tăng 8,39%/năm. Riêng than thiêu kết, kẹo dừa giảm do chủ yếu là xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có nhiều biến động.
- Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa cũng tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn: từ 43,33 triệu USD năm 2005 tăng lên 75,49 triệu USD năm 2010,bình quân giai đoạn 2006 – 2010 tăng 14,38%/năm. Năm 2015 đạt 160 triệu USD, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 18,72%/năm, chiếm 24,23% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
- Thị trường xuất khẩu các sản phẩm dừa tăng khá nhanh, từ 43 nước và vùng lãnh thổ năm 2005 lên 65 nước và vùng lãnh thổ năm 2010, đến năm 2015 sản phẩm dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 105 nước và vùng lãnh thổ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều dừa khô trái, kẹo dừa và các sản phẩm thô như: chỉ xơ dừa, thạch dừa, than thiêu kết. Hàn Quốc nhập khẩu các sản phẩm từ chỉ xơ dừa, mụn dừa, mặt nạ dừa, cơm dừa nạo sấy, than thiêu kết. Asean, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi – Trung Đông nhập khẩu các sản phẩm dừa có giá trị cao như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa, nước dừa đóng lon, than hoạt tính.
- Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch từ một số nước là thị trường trung gian ở Châu Á như: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore sang thị trường tiêu dùng trực tiếp EU, Hoa Kỳ, Bắc Mỹ, các nước Ả Rập có nhiều tiềm năng. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc năm 2005 chiếm 63,3%, năm 2010 chiếm 56% và năm 2015 giảm còn 19,5%; tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Asean, châu Âu, châu Mỹ, Châu phi – Trung Đông tăng rất nhanh: châu Phi - châu Mỹ từ 8,9% năm 2000 tăng lên 29,4% năm 2015 và châu Âu - Trung Đông từ 11,5% năm 2000 tăng lên 21,7% năm 2015.
Năm 2016, các sản phẩm dừa chủ yếu được duy trì và có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ 2015, như: sữa dừa tăng 23,74%; than hoạt tính tăng11,97%; một số sản phẩm chủ yếu giảm là: chỉ xơ dừa giảm 20,79%; cơm dừa nạo sấy giảm 12,4%. Kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm chủ yếu của ngành dừa tăng khá so với cùng kỳ như: Sữa dừa: 50.148 tấn, tăng 35,14%; Than hoạt tính: 15.805 tấn, tăng 37,54% . Tuy nhiên, một số sản phẩm dừa giảm, như: Cơm dừa nạo sấy 23.390 tấn, giảm 10,48%; chỉ xơ dừa: 32.980 tấn, chỉ đạt 50,68% so với năm trước.
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành dừa đã và đang tích cực đầu tư nâng công suất chế biến phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm mới, nâng cao giá trị cây dừa, như: Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đầu tư nhà máy chế biến sữa dừa đóng lon, nước dừa đóng lon, cơm dừa nạo sấy béo thấp, dầu dừa tinh luyện và dầu dừa tinh khiết; Công ty Thực phẩm Ngưu Dừa sản xuất sữa dừa và cơm dừa nạo sấy béo thấp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre sản xuất sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon, nước dừa đóng hộp; Công ty Định Phú Mỹ sản xuất sữa dừa; Công ty Shinkwang EntechVN sản xuất than hoạt tính. Nhà máy sản xuất nước dừa Thành Thành Công, Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre và Công ty TNHH Một thành viên Dầu dừa thủy tinh đầu tư sản xuất các sản phẩm từ dừa, Công ty TNHH E.Z Costec (Hàn Quốc) sản xuất mặt nạ thạch dừa. Ngoài các dự án kêu gọi đầu tư là dự án xây dựng nhà máy chế biến mùn dừa xuất khẩu và dự án sản xuất nệm xơ dừa. Bên cạnh đó, còn có 28 doanh nghiệp chế biến dừa mới được thành lập với tổng vốn đăng ký là 159 tỷ đồng, dự kiến sẽ tạo việc làm mới cho hơn 870 lao động.
Hy vọng, với chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh và sự nỗ lực đầu tư, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm mới có giá gia tăng cao của các doanh nghiệp, ngành dừa Bến Tre sẽ ngày càng phát triển.
Hiệp hội Dừa Bến Tre