“ Website này được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo Bến Tre (DBRP Bến Tre ) và sự góp sức của nhiều bạn bè. Hiệp hội Dừa Bến Tre rất mong thành viên của Hiệp hội và thân hữu xa gần tiếp tục giúp đỡ, góp ý và gởi tin - bài, để Website ngày càng hoàn chỉnh và có ích”.
HIỆP HỘI DỪA BÊN TRE
Thông tin cần biết
Nhân giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi
22-12-2014
TS. Nguyễn Thị Bích Hồng, ThS. Ngô Thị Kiều Dương, CN. Nguyễn Thị Mai Phương, KS. Phạm Phú Thịnh - Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu.
Dừa Sáp là giống dừa có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, hiện tại giá dừa Sáp từ 80.000 - 100.000 đồng/quả tại nhà vườn, cao gấp 10 - 20 lần so với quả dừa thường.
Dừa Sáp có nguồn gốc tại Trà Vinh. Về đặc điểm hình thái bên ngoài dừa Sáp không khác so với dừa thường, quả dừa Sáp chỉ phân biệt ở độ tuổi từ 10 - 11 tháng tuổi, bằng cách lắc quả và nghe tiếng nước bên trong.
Việc duy trì và nhân giống dừa Sáp được bà con nông dân đang sử dụng là phương pháp ươm truyền thống: dùng những quả không Sáp trên cây dừa Sáp, ươm lên tạo thành cây con. Cây dừa Sáp trồng từ cây con này sẽ cho tỷ lệ quả Sáp thấp khoảng từ 0 – 25%.
Viện nghiên cứu Dầu và cây có dầu đã nghiên cứu thành công qui trình công nghệ nuôi cấy in-vitro phôi dừa Sáp: dùng phôi của những quả Sáp nhân nuôi in-vitro tạo cây giống, cây dừa Sáp từ nuôi cấy in-vitro sẽ cho tỷ lệ quả Sáp cao trên 80%. Hiện nay, Viện đang cung ứng cây giống dừa Sáp nuôi cấy phôi với giá 700.000 đồng/cây.
Mở đầu:
Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa đứng thứ 2 ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với diện tích 14.552 ha (*) sau tỉnh Bến Tre có diện tích là 63.000 ha (**). Tuy nhiên, khi nhắc đến cây dừa Trà Vinh thì không thể không nhắc đến cây dừa "đặc sản" của tỉnh Trà Vinh là cây dừa Sáp. Trong đó, huyện Cầu Kè được xem là cái nôi của dừa Sáp tại Việt Nam [1].
Dừa Sáp hay còn gọi là dừa Đặc ruột, có nguồn gốc tại Trà Vinh từ rất lâu, gắn liền với đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Bởi dừa Sáp được xem là giống dừa có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay; một quả dừa Sáp giá 80.000 - 100.000đ tại nhà vườn, cao gấp 10 - 20 lần so với quả dừa thường. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, diện tích dừa Sáp tại Trà Vinh tăng rất nhanh. Năm 2005, toàn huyện Cầu Kè có diện tích dừa Sáp là 43ha (khoảng 8.671 cây, trong đó có 1.180 cây cho trái ổn định), đến năm 2007, diện tích dừa Sáp tăng là 45ha và năm 2012 là 126,64 ha tương đương khoảng 27.897 cây) (Theo số liệu thống kê của Phòng NN huyện Cầu Kè năm 2012).
1. Nguồn gốc của dừa Sáp:
Theo bà con nông dân, giống dừa Sáp ở Cầu Kè có nguồn gốc từ Campuchia, do một vị Cả chùa, người Kh‘mer mang về, trồng trong khuôn viên chùa Chợ (còn được gọi là chùa Pa Tung Sa Ku), tọa lạc tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và được nhân giống trồng cho đến nay. Lúc này dừa Sáp chưa được sự chú ý trong cộng đồng, thỉnh thoảng những người mua bán dừa gặp những trái dừa sáp. Do quan niệm rằng dừa sáp là dừa "trăng ăn" nên ai bắt gặp là điều không may mắn vì bị thất thu. Đến năm 1984, giống dừa Sáp được Viện nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu sưu tập, bảo tồn trong vườn tập đoàn giống dừa tại Trung tâm dừa Đồng Gò và sau đó được IPGRI định danh, và đưa vào danh mục các giống dừa bảo tồn của thế giới. Sau đó, những kết quả nghiên cứu về dừa Sáp trên thế giới đã được công bố. Từ đó, việc quan tâm đầu tư nghiên cứu của Nhà nước và nhận thức của người trồng dừa Sáp càng được nâng cao. Ngày nay, dừa Sáp trở thành đặc sản của quê hương Cầu Kè - Trà Vinh và được xem là một trong những giống dừa có giá trị kinh tế nhất hiện nay.
2. Hình thái dừa Sáp
Theo kết quả điều tra hiện trạng của Viện nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu và kinh nghiệm trồng dừa Sáp của nông dân không có sự khác biệt giữa cây dừa Sáp và cây dừa thường về đặc điểm hình thái tán lá, thân và tàu lá. Mặc dù vậy có một số ý kiến của những bậc lão nông (trong số những người trồng dừa Sáp lâu năm) cho rằng thông qua màu sắc, độ bóng và cách sắp xếp của tàu lá có thể xác định được cây dừa Sáp. Theo nhận định trên, những cây dừa mang quả sáp có lá chét nhỏ hơn, nhiều hơn và láng hơn, cũng như việc sắp xếp của lá trên cây cũng khít hơn so với cây dừa thường. Tuy nhiên, kết quả kiểm chứng thông qua kinh nghiệm để nhận dạng cây dừa Sáp không hoàn toàn chính xác, mà chỉ theo cảm quan của người nhận dạng đã biết trước được cây dừa đó mang quả sáp chứ không phải nhờ vào những đặc điểm chỉ thị để nhận dạng như đã nêu [2,3].
Kết quả khảo sát cũng cho thấy không thể phân biệt được quả dừa Sáp và quả dừa thường bằng cách phân biệt qua đặc điểm ngoại hình của quả. Cách duy nhất để phân biệt quả dừa Sáp và quả dừa thường là lắc quả dừa khi quả chín (từ 11 tháng tuổi). Do đó, không thể phân biệt và xác định được quả dừa Sáp khi còn non (chưa chín, <11 tháng tuổi) [2,3].
Người được phỏng vấn cũng có nhận xét về nhóm màu sắc của quả, theo đó, màu sắc quả dừa Sáp ở Cầu Kè chủ yếu là màu xanh, những năm về sau do quá trình lai tạo tự nhiên trong quần thể dừa Sáp xuất hiện thêm những cây màu nâu và kích thước quả cũng được nhận định theo hai nhóm chính là quả to và quả trung bình. Kết quả khảo sát trên phù hợp với kết quả đánh giá mô tả kiểu hình của quần thể dừa Sáp Cầu Kè theo phương pháp chuẩn hóa của IPGRI được mô tả tiếp theo [3].
Việc khảo sát, mô tả được tập trung ở huyện Cầu Kè, trong đó chủ yếu là ấp Chông Nô 1, Chông Nô 2 và thị trấn Cầu Kè.
Việc mô tả được tiến hành bằng cách quan sát hình dạng quả, hình dạng cây, tán lá, độ đặc ruột của cơm dừa Sáp của tất cả các cây dừa trong quần thể dừa Sáp và đo đếm trên 80 cây dừa của quần thể dừa Sáp theo các phương pháp và chỉ tiêu đã chuẩn hóa của IPGRI có so sánh với những giá trị của các chỉ tiêu được thu thập trên cây dừa thông thường ở cùng địa phương, cho thấy không có sự khác biệt giữa dừa Sáp và dừa thông thường. Kết quả khảo sát phù hợp với kết quả điều tra thực tế theo kinh nghiệm dân gian. Dựa trên các chỉ tiêu thu thập được có thể phân dừa Sáp Cầu Kè theo 4 nhóm chính:
- Dừa Sáp nhóm I (quả tròn, quả trung bình, màu xanh), giống như giống dừa Dâu xanh nên dân địa phương gọi là Sáp Dâu;
- Dừa Sáp nhóm II (quả to có 3 cạnh, màu xanh), giống như dừa Ta xanh nên dân địa phương gọi là dừa Sáp Ta;
- Dừa Sáp nhóm III (quả to tròn, màu nâu);
- Dừa Sáp nhóm IV (quả trung bình, tròn, màu vàng sáng) [3].
Đặc điểm hình thái của cây và quả dừa Sáp cho thấy kết quả thu thập được phù hợp với nhận định của Ramirez và Mendoza (1998) về việc không thể phân biệt giữa cây dừa Sáp và cây dừa thông thường, đồng thời ở giai đoạn trước 10 tháng tuổi cũng không thể phân biệt được quả sáp và quả dừa thường. Tuy nhiên, sau 10 tháng tuổi, bằng biện pháp lắc quả có thể phân biệt được quả sáp với quả bình thường: ở quả sáp khi lắc nghe tiếng đục và nặng, trong khi ở quả bình thường khi lắc nghe âm thanh róc rách và trong. Tuy nhiên, việc lắc quả theo kinh nghiệm cũng chỉ phân biệt được quả sáp với độ chính xác tương đối, những người kinh doanh dừa Sáp chuyên nghiệp và lâu năm cũng nhầm lẫn do quả được thu sớm hoặc mức độ chính xác khi phân biệt cũng thay đổi theo mùa [3].
Kết quả mô tả quả sáp 11 tháng tuổi theo phương pháp chuẩn hóa của IPGRI cho thấy dừa Sáp Cầu Kè -Trà Vinh được phân theo 2 kiểu A và B (theo phân loại của Adriano và Manahan -1931)[3]:
Kiểu A: Dừa Sáp nhóm II và III thuộc kiểu này, phần nước dừa hơi sền sệt, phần cơm dừa có cấu trúc giống như cơm nhão và độ dày của cơm dừa Sáp bằng dừa thường.
Kiểu B: Dừa Sáp nhóm I thuộc kiểu này, phần nước dừa rất sệt, trắng trong, phần cơm dừa dày hơn cơm dừa của quả dừa thường, lớp cơm dừa tiếp giáp với phần gáo dừa có cấu trúc giống như cơm nhão và lớp cơm dừa bên trong giáp với phần nước dừa bồng lên như bông.
3. Phương pháp nhân giống dừa Sáp
Việc duy trì và nhân giống dừa Sáp được bà con nông dân đang sử dụng là phương pháp ươm truyền thống: dùng những quả không Sáp trên cây dừa Sáp, ươm lên tạo thành cây con. Cây dừa Sáp trồng từ cây con này sẽ cho tỷ lệ quả Sáp thấp khoảng từ 0 – 25% [3].
Từ năm 2001- 2005, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu bước đầu đã nghiên cứu thành công việc nhân giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi dừa Sáp trong điều kiện in-vitro, với tỷ lệ thành công của qui trình đạt 19,2%, thời gian phát triển hoàn thiện từ phôi thành cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn là 24 tháng [4].
Năm 2010, Viện nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu tiếp tục nghiên cứu cải tiến qui trình công nghệ nuôi cấy phôi dừa Sáp ở giai đoạn phòng thí nghiệm và vườn ươm, đã gia tăng tỷ lệ thành công của qui trình lên đạt 37%, thời gian phát triển hoàn thiện từ phôi thành cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn là 15 - 16 tháng [4].
Năm 2010 – 2014, Viện nghiên cứu Dầu và cây có Dầu tiếp tục nghiên cứu cải tiến qui trình công nghệ nuôi cấy phôi ở giai đoạn phòng thí nghiệm và vườn ươm nhằm gia tăng tỷ lệ thành công qui trình đạt 47,3%, thời gian phát triển hoàn thiện từ phôi thành cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn là là 12 – 14 tháng [1].
Qui trình cụ thể như sau:
* Giai đoạn 1: Giai đoạn cấy phôi ban đầu
+ Bước 1: Việc lựa chọn trái dừa Sáp giống quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ thành công của qui trình nhân giống. Do vậy, trái dừa Sáp phải được tuyển chọn nghiêm ngặt đủ các điều kiện như sau:
- Từ vườn đã được tuyển chọn làm giống;
- Từ cây mẹ đã được tuyển chọn làm cây đầu dòng;
- Trái Sáp ở độ tuổi 11 tháng tuổi;
- Không bị sâu bệnh, méo mó, dị hình, …
- Không nên tồn trữ lâu, cuống trái còn nguyên vẹn,…
+ Bước 2: Tách phôi và cơm:
- Trái dừa Sáp được lột vỏ;
- Đập gáo;
- Dùng xylanh lấy nhẹ nhàng phôi và phần cơm bao xung quanh phôi, tránh làm tổn thương đỉnh sinh trưởng của phôi.
+ Bước 3: Khử trùng phôi lần 1:
- Rửa bằng nước máy 3 lần;
- Rửa bằng dung dịch hỗn hợp Zonrox 10%, bột giặt 10%;
- Rửa sạch lại bằng nước máy 3 lần.
+ Bước 4: Khử trùng phôi lần 2:
- Phôi được chuyển vào tủ cấy vô trùng;
- Rửa bằng nước máy đã khử trùng 3 lần;
- Khử trùng phôi bằng dung dịch Zonrox 100% trong 15 phút;
- Rửa bằng nước máy đã khử trùng 3 – 5 lần.
+ Bước 5: Tách phôi ra khỏi cơm
- Dùng dao cấy, cắt bỏ phần cơm mềm;
- Tách lấy phôi;
- Rửa bằng nước cất đã khử trùng 3 lần.
+ Bước 6: Khử trùng phôi lần 3:
- Khử trùng phôi bằng dung dịch Zonrox 10% trong 3-5 phút;
- Rửa bằng nước cất đã khử trùng 3 lần.
+ Bước 7: Cấy phôi vào môi trường Y3 có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng GA3 và BA
- Cấy phôi vào môi trường của các nghiệm thức được bố trí;
- Nuôi phôi ở điều kiện ánh sáng 4000 lux, thời gian chiếu sáng 9 giờ/ngày, nhiệt độ 280C – 300C.
* Giai đoạn 2: Phôi đã nẩy mầm
Khi phôi đã nẩy mầm hình thành chồi và rễ sau 2 tháng nuôi cấy.
+ Bước 8: Cấy chuyền lần 1:
- Cấy chuyền phôi đã nẩy mầm vào môi trường Y3 lỏng;
- Nuôi phôi đã nẩy mầm ở ánh sáng 4.000 – 5.000 lux, nhiệt độ 280C - 300C, trong thời gian 1 tháng.
+ Bước 9: Cấy chuyền lần 2:
Khi cây có đủ các điều kiện sau: 1 lá mở, chiều cao cây khoảng từ 10 – 15cm
- Tiếp tục cấy chuyền cây vào môi trường Y3 lỏng, có bổ sung chất điều hòa sinh trưởng NAA
- Nuôi cây ở ánh sáng 4.000 – 5.000 lux, nhiệt độ 280C – 300C, trong thời gian 1 – 2 tháng.
- Thường xuyên theo dõi sâu bệnh gây hại trên cây lớn.
* Giai đoạn 4: Cây đủ tiêu chuẩn xuất vườn
+ Khi cây đạt các tiêu chuẩn như sau:
- Chiều cao cây khoảng từ 50 – 60cm;
- Tổng số lá xanh trên cây từ 5-6 lá;
- Cây khỏe, xanh, tán lá xum suê, không sâu bệnh;
- Gốc, thân to.
+ Bước 15: Chuyển cây ra khỏi vườn ươm, ánh sáng tự nhiên, trong thời gian 2 tuần trước khi trồng ngoài đồng ruộng:
- Tưới nước thường xuyên 5-7 ngày/lần;
- Bón phân thường xuyên 1 tuần/lần;
- Thường xuyên theo dõi sâu bệnh gây hại trên cây lớn.
Dừa Sáp nuôi cấy phôi được Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu trồng thử nghiệm tại Trung tâm sản xuất giống Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh với qui mô 5ha, trong đó 2ha đang trong thời kỳ cho trái với tỷ lệ quả dừa Sáp đạt >80% [1]. Với ước tính hiệu quả kinh tế của giống dừa Sáp nuôi cấy phôi đạt gấp 4 lần so với giống dừa Sáp thường và gấp 8 lần so với các giống dừa Ta, Dâu.
Hiện nay, Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đang thực hiện dự án "Phát triển sản xuất giống dừa giai đoạn 2011 – 2015", sản xuất và cung ứng cho bà con nông dân cây dừa Sáp nuôi cấy phôi với giá 700.000 đ/cây.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ngô Thị Kiều Dương, 2013: Báo cáo kết quả thực hiện Nhiệm vụ "Khai thác và phát triển nguồn gen cây dừa";
2. Nguyễn Thị Bích Hồng, 2008: Báo cáo tổng kết đề tài "Nghiên cứu chọn tạo một số giống dừa mới có năng suất cao, có chất lượng đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến và xuất khẩu".
3. Võ Văn Long, 2007: Báo cáo tổng kết đề tài "Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nhân, lưu giữ giống và xây dựng mô hình chuyên canh dừa Đặc ruột ở Cầu Kè tỉnh Trà Vinh".
4. Trần Thị Ngọc Thảo, 2010: Báo cáo tổng kết đề tài "Nghiên cứu cải tiến qui trình công nghệ nhân giống dừa Sáp".
Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.
HIỆP HỘI DỪA TỈNH BẾN TRE Địa chỉ: số 10, Nguyễn Trung Trực, Phường An Hội, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Điện thoại: 0753 770 999 – Fax: 0753 512 099
Email: hhduabentre@gmail.com - Website: http://www.hiephoiduabentre.com.vn
Ghi rõ nguồn: http://www.hiephoiduabentre.com.vn khi phát hành lại thông tin từ website này