Danh mục
VĂN BẢN MỚI
THƯƠNG HIỆU
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
TIN TỨC & SỰ KIỆN
DN & SẢN PHẨM
HỘI NHẬP
KHỞI NGHIỆP & QTKD
LIÊN KẾT/HỢP TÁC
TIN CỘNG ĐỒNG (ICC)
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
BẢN TIN GIÁ DỪA
HỘI CHỢ - TRIỂN LÃM
CƠ HỘI KINH DOANH
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIN CÔNG NGHỆ
KỸ THUẬT TRỒNG DỪA
DỪA VÀ SỨC KHỎE
VĂN HÓA DỪA
VIDEO CLIP
LỄ HỘI DỪA BẾN TRE
THỐNG KÊ NGÀNH DỪA
THƯ VIỆN ẢNH
HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI DỪA

“ Website này được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo Bến Tre (DBRP Bến Tre ) và sự góp sức của nhiều bạn bè. Hiệp hội Dừa Bến Tre rất mong thành viên của Hiệp hội và thân hữu xa gần tiếp tục giúp đỡ, góp ý và gởi tin - bài, để  Website ngày càng hoàn chỉnh và có ích”.

HIỆP HỘI DỪA BÊN TRE

Thông tin cần biết
 
Cây dừa với phát triển du lịch văn hóa huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên
28-11-2014

Lê Thị Mỹ Dung, HVCH, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Cây dừa với phát triển du lịch văn hóa huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên

Phú Yên, là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, người dân cần cù, đầy nghĩa khí, và giàu truyền thống cách mạng. Với vị thế là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên thời Pháp thuộc (1889 - 1946), Sông Cầu đã trở thành đô thị khá sầm uất. Đầu thế kỷ XX, trên địa bàn Sông Cầu, hàng loạt các chợ nổi tiếng như: chợ Sông Cầu, chợ Gò Duối, chợ Vũng Lắm đã xuất hiện. Đến trước năm 1945, một số ngành nghề của huyện tương đối phát triển như: đan lưới, kéo sợi, làm gạch ngói, nước mắm, đồ gỗ, đồ gốm và làm muối.
Tại Phú Yên, diện tích trồng dừa hiện nay đã lên đến gần 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Sông Cầu 864 ha và huyện Tuy An khoảng hơn 29 ha, ngoài ra các địa phương đều trồng rải rác trong khu dân cư nhưng số lượng không đáng kể. Các giống dừa chủ yếu như: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa lùn, dừa xiêm…
Từ khóa: cây dừa, phát triển, du lịch văn hóa
1. Định nghĩa du lịch văn hóa và khái quát về huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên
1.1. Định nghĩa du lịch văn hóa
Hiện nay có rất nhiều định nghĩa về du lịch văn hóa.
Hội đồng quốc tế về những công trình kỷ niệm và khu di tích ICOMOS (International Concil On Monuments and Site) đã đưa ra định nghĩa về du lịch văn hóa như sau: “Du lịch văn hóa là một hình thức du lịch mà mục đích của nó là khám phá những công trình kỷ niệm, những khu di tích hoặc những mục đích khác. Nó đưa vào sử dụng những mặt ảnh hưởng tích cực của quá khứ tới mức có thể nó góp phần thỏa mãn mục đích riêng – duy trì và bảo vệ những thứ ấy. Hình thức du lịch này bênh vực, ủng hộ thực tiễn của những nỗ lực nhằm để duy trì và bảo vệ những nhu cầu của cộng đồng nhân loại bởi những lợi ích kinh tế, văn hóa – xã hội mà nó dành cho tất cả sự quan tâm của công chúng”.
Tổ chức quốc tế ECTN (European Cultural Tourism Network (Mạng lưới du lịch văn hóa Châu Âu)) ở châu Âu thì định nghĩa: “Du lịch văn hóa có thể được định nghĩa tóm lược như là du lịch dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa của vùng, địa phương bao gồm truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, danh lam thắng cảnh, môi trường, di chỉ khảo cổ, nhà bảo tàng và những hoạt động văn hóa như lễ hội, trưng bày  mỹ thuật, những cuốn hút nghệ thuật, nhà hát, nhưng cũng bao gồm những cuốn hút liên quan tới sản phẩm nguyên thủy, sản phẩm thủ công truyền thống, công nghệ chế tác, lịch sử xã hội và cuộc sống1.
Từ những cơ sở trên, để dễ hình dung ta có thể đưa ra một định nghĩa tóm lược về du lịch văn hóa như sau:
“Du lịch văn hóa là loại hình du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc, được hình thành từ nhu cầu muốn khám phá, hiểu biết những cái tinh túy, độc đáo của một tộc người, một địa phương, một đất nước nhằm mục đích hưởng thụ, trải nghiệm những giá trị văn hóa của vùng, quốc gia nơi mình đến (thông qua tham quan các công trình văn hóa, danh thắng, lễ hội, phong tục tập quán…), đồng thời giúp nâng cao nhận thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”.
1.2. Khái quát về huyện Sông Cầu
Huyện Sông Cầu nằm ở phía bắc tỉnh Phú Yên, phía tây giáp huyện Đồng Xuân, phía nam giáp huyện Tuy An, phía bắc giáp tỉnh Bình Định và phía đông giáp biển Đông.
Qua khai quật các di chỉ khảo cổ ở Gò Ốc (xã Xuân Bình) cho thấy: cách đây 4.000 năm, mảnh đất Sông Cầu đã xuất hiện con người. Song, dấu ấn đậm nét về sự phát triển của mảnh đất và con người nơi đây chỉ thực sự bắt đầu từ thế kỷ XV khi các Vương triều Đại Việt thực hiện công cuộc khẩn hoang "mở đất, lập làng". Năm 1611, Sông Cầu (phủ Phú Yên) thuộc dinh Quảng Nam. Đến năm 1629, phủ Phú Yên trở thành dinh Phú Yên (còn gọi là dinh Trấn Biên) gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, khi ấy Sông Cầu thuộc huyện Đồng Xuân. Từ năm1889 đến năm1946, Sông Cầu là tỉnh lỵ của Phú Yên, đóng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế - văn hoá của tỉnh.
Phú Yên, là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, người dân cần cù, đầy nghĩa khí, và giàu truyền thống cách mạng. Với vị thế là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên thời Pháp thuộc (1889 - 1946), Sông Cầu đã trở thành đô thị khá sầm uất. Đầu thế kỷ XX, trên địa bàn Sông Cầu, hàng loạt các chợ nổi tiếng như: chợ Sông Cầu, chợ Gò Duối, chợ Vũng Lắm đã xuất hiện. Đến trước năm 1945, một số ngành nghề của huyện tương đối phát triển như: đan lưới, kéo sợi, làm gạch ngói, nước mắm, đồ gỗ, đồ gốm và làm muối.2
Sông Cầu nổi tiếng với những bãi biển đẹp, con người nồng hậu, chất phát đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho những du khách đã đặt chân đến vùng đất này.
Tại Phú Yên, diện tích trồng dừa hiện nay đã lên đến gần 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở Sông Cầu 864 ha và huyện Tuy An khoảng hơn 29 ha3, ngoài ra các địa phương đều trồng rải rác trong khu dân cư nhưng số lượng không đáng kể. Các giống dừa chủ yếu như: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa lùn, dừa xiêm…
2. Cây dừa Sông Cầu nhìn từ góc độ tài nguyên du lịch văn hóa
2.1. Nguồn gốc của cây dừa
Vương quốc Champa cổ (gồm từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay) từ trước công nguyên có bộ tộc Cau và bộ tộc Dừa. Bộ tộc Cau còn gọi là Chăm Cau ở phía Nam (từ đèo Cù Mông trở vào) bộ tộc Dừa, hay còn gọi là Chăm Dừa ở phía Bắc (từ đèo Cù Mông trở ra). Truyền thuyết của người Chăm Dừa kể rằng: Có một cậu bé khôi ngô tuấn tú được sinh ra từ một mo dừa trong vườn thượng uyển. Nhà vua thấy vậy đã đem làm con nuôi. Khi lớn lên, với tài năng và đức độ, chàng trai được vua cho cưới công chúa và sau đó thì được tôn lên làm vua. Từ đó cây dừa được dùng làm biểu tượng cho thị tộc của mình và bộ tộc Dừa có tên gọi từ ngày ấy. Tên vị vua này, cho đến nay các nhà nghiên cứu Chăm học vẫn chưa tìm ra được.
Vào giữa thế kỷ thứ II, bộ tộc Dừa phát triển hùng mạnh, lập nên nhà nước Lâm Ấp. Vua Lâm Ấp qua các triều đại đã nhiều lần đưa quân ra cướp phá nước ta. Với bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, Vương quốc Champa ngày nay không còn nữa, người Chăm Dừa ngày nay cũng chỉ còn lại tục dùng dừa làm lễ vật trong những ngày lễ Tết dâng lên trời đất tổ tiên để tỏ lòng thành kính biết ơn và cũng ít được nhắc lại qua chuyện kể lưu truyền về nguồn gốc của mình.4
Sự tích cây dừa tồn tại trong dân gian miệt Long Mỹ – Hồng Dân – Ngã Năm (vùng đất giáp giới của ba tỉnh: Hậu Giang – Bạc Liêu – Sóc Trăng) kể rằng: Ngày xưa ở vùng đất nọ có gia đình nhà nghèo cảnh mẹ góa, con côi. Hai mẹ con ngày ngày cày thuê cuốc mướn cho tên địa chủ giàu có trong vùng, mà cảnh đói cơm thiếu áo vẫn xảy ra ngày một ngày hai. Đứa con gái ngày một lớn càng xinh đẹp nết na, bà mẹ ngược lại ngày một già nua, đau bệnh triền miên. Năm ấy, trời hạn nặng, cây cối héo úa, lúa ngoài đồng cháy khô. Gia cảnh mẹ con nhà ấy càng thảm não. Không còn gạo nấu cháo nuôi mẹ, cô gái bạo dạn đến gõ cửa nhà giàu. Vốn háo sắc, gả địa chủ rắp tâm chiếm đoạt cô. Hắn ra điều kiện:
- Được rồi, ta có lòng thương người lắm, nay ta cho em mượn thúng gạo này về mà ăn. Trong ba tháng, nếu em không trả được gạo cho ta thì đến đây hầu hạ ta vậy.
Cô gái đội gạo về vừa khấp khởi bởi mẹ đã có cái ăn, vừa trĩu lòng vì món nợ đã vay, biết lấy đâu mà trả. Húp chén cháo xong, mẹ cô nghẹn ngào:
- Mẹ không qua khỏi, con ráng mà giữ mình, làm thuê mướn cũng phải trả nợ cho người ta. Nghèo cho sạch, rách cho thơm con ạ!
Mấy hôm sau bà mẹ mất, cô gái khóc lóc thảm thiết. Hàng xóm kẻ ít người nhiều gom góp cho bà cụ được yên mồ yên mả. Ngày đêm, cô gái vật vả thảm thiết bên mộ mẹ hiền.
Không lâu sau, tên nhà giàu cho tay chân đến buộc cô gái về làm hầu hạ hắn. Cô gái gom hết những gì mình có đưa cho họ và hẹn xin được để tang mẹ xong sẽ qua trả lễ. Mòn mỏi, đau buồn, cô gái chưa thực hiện được lời hứa cũng đã nhắm mắt xuôi tay.
Mấy năm trôi qua, người ta phát hiện có một loài cây lá xòe mượt xanh như mái tóc của cô bé nhà nghèo nọ. Bẹ đỡ lá hình dáng như chiếc mũi xinh xắn của cô. Đặc biệt cây cho trái trên cao, nước trong vắt ngọt lịm, như tấm lòng thơm thảo trọng nghĩa nhân và giữ tiết sạch giá trong khi cô bé còn sống. Người ta đặt tên cho nó là cây dừa. Cây dừa mọc trong vườn nhà, luôn khắng khít bao đời với người nông dân từ đó.5
2.2. Tài nguyên du lịch văn hóa từ cây dừa
Dừa là loại cây cho trái ăn được, cho quả tương đối nhiều; vì thế nó có giá trị kinh tế đáng kể. Tên gọi của dừa trong tiếng Phạn là kalpa vriksha, có thể dịch thành "cây đem lại mọi thứ cần thiết cho cuộc sống". Trong tiếng Mã Lai, dừa được gọi là pokok seribu guna tức là "cây có cả ngàn công dụng", tại Philippines, nói chung dừa được gọi là "cây của sự sống" đã cho thấy vai trò và công dụng to lớn của cây dừa6. Ngày nay, các quốc gia thành viên của Hiệp Hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC) đã sản xuất và xuất khẩu được hơn 70 chủng loại sản phẩm từ dừa, trong đó Philippines đóng góp hơn 40 loại sản phẩm từ dầu dừa, từ các sản phẩm cao cấp phục vụ công nghiệp như alcohol béo cho đến hàng thủ công mỹ nghệ. Ấn Độ và Sri Lanka là các quốc gia xuất khẩu nhiều loại sản phẩm từ xơ dừa.7
Cây dừa đã đi vào đời sống của người Việt Nam từ hàng ngàn năm nay, vì thế dừa mang trong mình một giá trị văn hóa lâu đời, từ ẩm thực, tâm linh, cho đến công cụ hàng ngày, hiện diện cả trong ca dao tục ngữ, thi, ca, nhạc, họa.
Trong đời sống tâm linh trái dừa không thể thiếu trong mâm ngũ quả ngày Tết của người Việt Nam với cầu mong sự vừa đủ (cầu, sung, vừa (dừa), đủ, xài (xoài)) và thể hiện sự trong sạch tinh khiết. Và trong hầu hết những bánh trái được dâng lên ông bà tổ tiên vào các ngày giỗ chạp, cưới xin, hoặc tiến vua cũng đều có dừa như: bánh ít lá gai, bánh xu xê, bánh cốm, xôi dừa,…
Chiếc gáo dừa múc nước từ ngàn đời gắn liền với dân tộc ta vì thế mà ông bà ta có câu "lành làm gáo, vỡ làm muôi" để dạy con cháu biết sống làm người hữu dụng. Tục ngữ nói lên sự không may mắn "Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa". Dừa đi vào thơ ca: "Khen ai khéo tạc nên dừa. Đấy trèo đây hứng cho vừa lòng nhau" (ca dao), "Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ, Dừa ru tôi giấc ngủ trẻ thơ" (Lê Anh Xuân), hay tryện cổ tích Sọ Dừa…
Trong điêu khắc: Các hình tượng được các nghệ nhân dùng thân dừa để khắc như hình người, mục đồng chăn trâu, bộ ấm trà, làm lược chải tóc, làm các loại dụng cụ lưu niệm khác cho khách du lịch đến tham quan.
Dừa cũng được dùng làm nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như: đàn gáo, đàn bầu với những âm thanh đặc trưng của tiếng vọng từ sự đanh chắc của gáo dừa.8 Cây dừa cũng là một phần không thể thiếu trong một số điệu nhảy dân gian ở một số nước nhiệt đới. Hãy lấy Maglalatik làm ví dụ - một điệu nhảy truyền thống của người Philippines. Người ta sử dụng nửa gáo dừa để làm trống và đeo chúng ở trên nhiều bộ phận của cơ thể.
Ngoài ra, cây dừa mang trong mình rất nhiều biểu tượng văn hóa khác nhau. Chẳng hạn:
- Trong kinh Thánh dừa là biểu tượng của sự cống hiến hy sinh không toan tính.
- Trong đạo Phật, dừa được dùng trong hình tượng của sự chấp ngã.
- Và trong phép ứng xử, dừa biểu thị cho sự hồn hậu chân tình qua chiếc gáo múc nước bên hiên nhà, qua ngọn đuốc dừa trong đêm tối lỡ đường.
- Chiếc chổi chà dừa biểu trưng cho sự cần mẫn không quản cực nhọc khó khăn của người phụ nữ.9
Từ những dẫn chứng trên cho thấy cây dừa mang trong mình giá trị văn hóa vô cùng đặc sắc, có đủ điều kiện dùng làm nguyên liệu để phát triển du lịch nếu được đưa vào khai thác đúng cách. Những nơi trồng dừa sẽ có những làng nghề truyền thống liên quan đến dừa như làng nghề bện thừng, làng nghề nấu ép dầu dừa… làm nguyên liệu để phát triển du lịch làng nghề. Từ dừa người dân địa phương chế biến ra những món ăn đặc sản có thể phát triển loại hình du lịch văn hóa ẩm thực. Cuộc sống của người dân xứ dừa cũng được khai thác để phát triển loại hình du lịch văn hóa xứ dừa.
Dừa là một trong những cây hữu dụng nhất trên thế giới, cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người. Tất cả các sản phẩm từ cây dừa đều hữu ích cho con người, ngoài ra dừa cũng là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch. Đồng thời cũng mở ra những ngành nghề ở nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập và phát triển kinh tế ở địa phương. Nếu khai thác hết các tiềm năng và giá trị của nó, cây dừa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn.
3. Cây dừa với phát triển du lịch văn hóa huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên
Dừa ở Sông Cầu thân cao tỏa bóng mát rợp dọc dài từ chân đèo Cù Mông đến tận dốc Gành Đỏ. Trải qua một thời gian dài, cây dừa là một loại nguyên liệu cho giá trị kinh tế cao và được người dân đầu tư trồng. Từ xa xưa, cây dừa được tận dụng để sản xuất các loại chổi xương, lợp nhà và làm thạch dừa. Những bãi biển đẹp xanh rợp bóng dừa đã là thương hiệu du lịch của Sông Cầu nhưng để phát huy vai trò của cây dừa hơn nữa cần quảng bá hoạt động du lịch dừa hơn nữa. Có thể kết hợp loại hình du lịch nghỉ ngơi, điều dưỡng với loại hình du lịch trải nghiệm thông qua việc ăn nghỉ và cùng làm việc với người dân để du khách hiểu được phong tục tập quán và lối sống của người dân nơi đây. Để bảo tồn, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp từ ngàn đời và nâng cao được đời sống văn hóa của người dân xứ dừa thông qua sản phẩm dịch vụ du lịch, chúng tôi xin phác thảo một số loại hình du lịch xứ dừa như:
- Du lịch tham quan làng nghề truyền thống và cuộc sống của người dân xứ dừa.
Tham quan, tìm hiểu làng nghề thủ công truyền thống đang trở thành hướng đi mới của dịch vụ du lịch. Du khách thăm làng nghề không chỉ đắm mình trong cảnh làng quê yên ả, trong lành mà còn được chứng kiến hoạt động lao động sản xuất của những nghệ nhân và còn có thể tham gia làm ra sản phẩm. Chính điều này tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống đối với du khách. Đến đây du khách sẽ được được tham quan những làng nghề truyền thống như: nghề bện thừng bằng dừa, nghề nấu ép dầu dừa, nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa… Du khách sẽ được tận mắt nhìn các sản phẩm được tạo tác bởi đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân, các mẫu sản phẩm tinh xảo chuẩn bị cho xuất khẩu và mang về một món quà xinh xắn kỷ niệm cho chuyến du lịch của mình.
Ngày nay các sản phẩm từ cây dừa rất đa dạng và phong phú. Những bộ phận của cây dừa từng được xem là có giá trị kinh tế thấp hoặc chỉ được làm chất đốt như vỏ dừa, gáo dừa, nan dừa, cọng lá dừa… giờ là nguồn nguyên liệu phong phú để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vừa đẹp vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cư dân xứ dừa. Trước đây, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa một số người khéo tay chế tác ra các mặt hàng gia dụng như đũa, vá, bàn ghế… chủ yếu từ gỗ dừa. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa được hình thành và phát triển với quy mô lớn và nguyên liệu chế tác cũng đa dạng hơn. Ngoài gỗ dừa, gáo dừa, cọng lá dừa, vỏ dừa, thậm chí mụn dừa… đều được tận dụng để chế tác nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, một số sản phẩm tiêu biểu như giỏ, rổ làm từ cọng lá dừa, lồng đèn làm bằng chà dừa, thảm, lưới và chậu hoa làm từ vỏ dừa, vỏ bình trà, hộp đựng mứt, bình hoa, giỏ xách, kẹp tóc, móc khóa, vòng tay và rất nhiều sản phẩm trang trí khác từ gáo dừa… có thêm nhiều sự lựa chọn cho du khách muốn mua quà lưu niệm. Trên địa bàn huyện có hai cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ lớn từ dừa là Long Bình và Diêm Trường – Xuân Lộc. Tại đây, du khách được tham quan quy trình làm ra sản phẩm, tự tay làm những vật dụng mình thích hay tham quan các tác phẩm độc đáo từ dừa như chiếc bình “Huyền sử đời Hùng”, chiếc đèn “Nguồn sáng Việt”, chiếc du thuyền làm bằng gáo dừa hay tác phẩm con cá ngừ đại Dương, chim yến lớn nhất Việt Nam bằng gáo dừa khô.
 
Các tác phẩm độc đáo từ gáo dừa (Nguồn: internet)
Đây là những tác phẩm độc đáo, thể hiện bàn tay tài hoa và trí óc sáng tạo của những nghệ nhân, từ những vật liệu hết sức bình thường, đơn giản như chiếc gáo dừa họ đã thổi hồn, chế tác thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa và mang đầy lòng tự hào dân tộc.
Du khách cũng có thể đi dọc sông ngắm nhìn cuộc sống của người dân hai bờ với du thuyền Lạc Hồng 1. Đây là chiếc du thuyền đầu tiên tại Phú Yên, và trên thế giới có dùng chất liệu sọ dừa, thuyền có hình dáng một con chim lạc, dài 25 m, rộng 5 m và cao 6,5 m với sức chứa 100 người. Du thuyền được đóng chủ yếu bằng các chất liệu composite, nội thất bằng gáo dừa. Trên du thuyền, du khách có thể thưởng thức những món ẩm thực bản địa độc đáo và những tiết mục văn nghệ đặc sắc đậm chất của Phú Yên.9
Du thuyền Lạc Hồng 1 (Nguồn: internet)
Trải nghiệm cuộc sống của người dân xứ dừa, du khách được tham gia vào các hoạt động sản xuất của người dân như đóng tàu thuyền, làm nước mắm hay ra khơi đánh cá, câu mực…; hoặc khám phá bản sắc văn hóa qua các lễ hội, nghi thức, trò chơi dân gian của người dân nơi đây.
Du lịch tham quan làng nghề kết hợp với mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ làm từ dừa, từ vỏ hải sản, mua hải sản khô, hải sản tẩm sấy, nước mắm, du lịch ẩm thực. Bản chất của du lịch làng nghề là khám phá, do vậy phải tạo hứng thú cho du khách, giúp họ hiểu được ý nghĩa của sản phẩm, cảm nhận tâm hồn, tình cảm, sự tài hoa và tính cần cù chịu khó của người dân ở các làng nghề. Sản phẩm của làng nghệ là sự kết tinh sáng tạo của nghệ nhân, thổ nhưỡng văn hóa một vùng đất. Bởi thế bên cạnh giá trị kinh tế nó còn hàm chứa những giá trị văn hóa khác cần được bảo tồn.
- Du lịch thưởng thức nghệ thuật dân gian từ dừa
 + Nghệ thuật tết lá dừa: đây là trò chơi dân gian của trẻ em xứ dừa nhưng qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, du khách sẽ được thưởng thức tài nghệ tết lá dừa thành hình những con vật, hoa lá, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình hay những món đồ chơi kỳ lạ hoặc trang trí đám cưới. Lá dừa được dùng làm cào cào, châu chấu, đồng hồ, máy bay, nhẫn, con rết, con chim, chong chóng, hoa... được trẻ em cực kỳ yêu thích.
- Thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian trên sân khấu được trang trí từ dừa: như hát bài chòi, hát bả trạo, hát bội… Đây là những loại hình nghệ thuật đặc sắc, đậm chất Phú Yên, du khách sẽ hiểu hơn về lịch sử khẩn hoang, văn hóa, con người của vùng đất này.
- Tham gia vào một số lễ hội của người dân dưới hình thức biểu diễn, sân khấu hóa được dàn dựng lại như lễ hội cầu ngư, lễ hội đua thuyền… của cư dân xứ dừa. Du khách sẽ được hòa mình vào không khí lễ hội, tham gia các trò chơi dân gian hoặc thưởng thức ẩm thực xứ dừa.
- Du lịch ẩm thực dừa
Là vùng đất của xứ dừa, Sông Cầu có những dải đất bạt ngàn những cây dừa cao  tít tắp. Tận dụng những gì thiên nhiên ban tặng, người dân ở đây đã dùng dừa để chế biến ra nhiều món ăn thơm ngon. Với loại hình du lịch này du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống dân dã, đậm đà hương vị được làm từ dừa, qua cách ăn uống du khách có thể hiểu thêm phần nào về văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Những đặc sản nổi tiếng của xứ dừa Sông Cầu có thể đưa vào khai thái du lịch như:
+ Đuông dừa chiên giòn: Đuông non chiên bột là món đặc sản. Trước khi chiên, đuông phải được dội sơ nước sôi cho sạch, sau đó cho vào hỗn hợp bột mì, trứng gà, tiêu, muối. Vị ngọt bùi thơm lựng của đuông non hòa với vị của trứng gà pha trong bột mì và vị béo của dầu ăn lẫn chút hương bơ còn vương khói nóng, tất cả cùng tan trên đầu lưỡi. Món đuông chiên bột đã ngon lại càng ngon hơn nếu nhắm với rượu gạo chính hiệu được cất tại làng Mỹ Phụng (Xuân Lộc, Sông Cầu).
+ Tôm hấp nước dừa: Ở Phú Yên, tôm vốn dĩ là món ăn khá quen thuộc trong các bữa cơm gia đình, được chế biến thành nhiều món: nướng, rang muối, hấp tỏi, gỏi,... song ngon nhất là món tôm hấp nước dừa xiêm - một cách chế biến khá độc đáo của ngư dân ven biển. Nước dừa thấm vào tôm không chỉ làm tăng vị ngọt, thơm ngon của con tôm mà còn tăng giá trị dinh dưỡng cho món ăn này. Thịt tôm ngọt giòn, săn chắc, đem chấm với muối tiêu chanh thì không gì đậm đà bằng.
+ Kẹo dừa: Khác với kẹo dừa đặc sản của Bến Tre được làm thành từ miếng nhỏ vuông vức từ nước cốt dừa, kẹo dừa Sông Cầu được làm theo cách đặc biệt hơn. Cơm dừa được gọt vỏ bên ngoài, rửa sạch cắt thành từng miếng mỏng như được dùng để làm mứt, đường được nấu đến khi chuyển sang màu mật ong, cho cơm dừa vào đường đang nấu trộn đều lên, bánh tráng nướng xong cho hỗ hợp đường và dừa rải đều lên mặt bánh. Khi ăn, kẹo có vị ngọt của đường, béo của dừa và giòn giòn của bánh tráng đảm bảo gây được sự thích thú cho người thưởng thức, đây cũng là món ăn dân dã gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ xứ dừa.
+ Bánh ít lá gai: Người Chăm xưa có bánh ít lá gai mang hình tháp (theo tín ngưỡng phồn thực) và được gói bằng lá chuối tươi để làm lễ vật dâng lên trời đất, thần linh. Vì là bộ tộc Dừa, nên hầu như những lễ vật được dâng lên trời đất và thần linh đều có dừa. Và bánh ít lá gai cũng không ngoại lệ, nên phần nhân cũng có sợi dừa. Với người Chăm Dừa thì cây dừa biểu trưng cho sự thanh khiết viên mãn. Và chiếc bánh ấy cũng chính là sự giao thoa của đất trời. Bởi ngoài lớp vỏ bánh làm bằng bột nếp giã với lá gai để tạo màu đen phì nhiêu của đất ôm lấy phần nhân tròn gồm đậu xanh được đánh nhuyễn, quấn quýt cùng những sợi dừa, như mặt trời ẩn hiện cùng mây trắng, biểu trưng cho mưa thuận gió hòa. Tiếp thu văn hóa từ người Chăm, chiếc bánh ít lá gai Sông Cầu vẫn giữ nguyên nguyên liệu nhưng hình dáng bánh đã thay đổi, từ hình tháp ban đầu đã chuyển sang gần giống hình chữ nhật. Bánh ít lá gai rất dẻo nhưng không dính răng, cắn một miếng, vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị béo giòn của dừa, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng tạo nên một cảm giác khoái khẩu không thể quên được. 
+ Bánh su sê: Đây là loại bánh thơm ngon có ý nghĩa đã được thi sĩ từ xưa nhắn gởi lại cho ai ngược xuôi vào Nam ra Bắc bằng câu thơ:
Ai ra xứ Huế
Nhớ ghé sông Cầu
Mua cau, mua trầu
Mua bánh su sê...
Bánh được làm bằng nguyên liệu dừa nạo sợi, bột, đậu xanh nghiền nhuyễn và gói bằng lá dừa. Về hình dáng, bánh su sê dài 4cm ngang 6cm, gói bằng lá dừa, nguyên liệu gồm: bột, đường, nước dừa, cơm dừa nạo thành sợi nhỏ. Bánh su sê miền Trung đã đi dần theo vua chúa nhà Nguyễn vào Nam, không những ngon mà còn có ý nghĩa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc: bánh hạnh phúc phục vụ cho ngày cưới, cho tình vợ chồng khắng khít bên nhau trọn đời.
+ Bánh tráng nước dừa: Gạo sau khi được xay ra đem trộn với nước cốt trái dừa, cho cả xát dừa đã được vắt lấy nước cốt, cho thêm mè đã bóc sạch vỏ, thêm ít tiêu hột, cùng hành tím xắt lát thật mỏng. Tất cả được trộn đều và đem đi tráng thành bánh. Bánh tráng nước dừa thường được tráng trên khuôn to và tráng thành lớp dày, có như vậy khi nướng lên, bánh mới phồng và giòn, ngon. Sau khi tráng, bánh được đem phơi dưới nắng cho đến khi khô lại.10
Còn nhiều lắm những món ăn từ dừa như xôi dừa, mứt dừa, cháo nước dừa, chè nước dừa, gà hầm nước dừa... hay đơn giản chỉ là những cốc nước dừa mát lạnh đủ để xua tan cái oi bức của buổi trưa hè miền trung đảm bảo làm hài lòng thực khách.
Ngoài tour du lịch văn hóa xứ dừa, Sông Cầu còn rất nhiều danh lam thắng cảnh, những di tích văn hóa, bãi biển đẹp đang chờ du khách khám phá.
Kết luận
Có thể nói, cây dừa mang trong mình giá trị văn hóa tiêu biểu, góp phần ổn định đời sống của người dân Sông Cầu và củng cố thêm thương hiệu du lịch đối với du khách trong và ngoài nước.
Trên thực tế, cây dừa chưa được khai thác phục vụ du lịch nhiều, nó chỉ bổ trợ thêm cho du lịch biển, để phát triển như một đối tượng du lịch riêng biệt thì vẫn còn mờ nhạt.
Đây chỉ là những ý tưởng được phác thảo, đề xuất cho một tour du lịch dừa ở Sông Cầu. Để có hiệu quả nhất nên kết hợp cả ba loại hình này lại với nhau để du khách được thưởng thức hết thú vui của tour du lịch dừa. Nếu được đóng góp và đầu tư trong tương lai đây sẽ là loại hình du lịch đặc sản của vùng đất Sông Cầu, Phú Yên nói riêng và du lịch cả nước nói chung được đông đảo khách du lịch đón nhận.
Bên cạnh khai thác cây dừa đưa vào phục vụ du lịch cần chú ý bảo tồn cảnh quan, môi trường các làng nghề, tích cực phát huy những công dụng của cây dừa vào phá t triển kinh tế - xã hội.

CHÚ THÍCH:
1. Trần Văn Thông 2003: Tổng quan du lịch – TP Hồ Chí Minh, Nxb.Giáo dục:23
2. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên 2007: Địa chí Phú Yên, NXB Chính trị quốc gia, tr.125
3. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp tỉnh Phú Yên năm 2013.
4. http://www.hiephoiduabentre.com.vn/index.php?Module=Content&Action=view&id=1393&Itemid=2
5. http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=11069
6. http://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%ABa
7. http://www.dost-bentre.gov.vn/cay-trai-ben-tre/cay-dua/1449-tam -quan-trong -cua-cay-dua.html
8. Tiền Văn Triệu 2011: Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ, Nguồn: www.vanchuongviet.org
9. http://hiephoiduavietnam.org/tin-tuc/6/92/367/ngon-ngu-cua- dua.html
9. http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110101/du-thuyen-gao-dua.aspx
10. http://phuyentourism.gov.vn/

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dương Hoàng Lộc, Lê Thị Kim Ngọc 2014: Nghề truyền thống ở Bến Tre với sự phát triển du lịch, Hội thảo làng nghề và phát triển du lịch, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh:330.
2. Huỳnh Quốc Thắng 2014: Những yếu tố tạo nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ lưu niệm đặc trưng trong du lịch, Hội thảo làng nghề và phát triển du lịch, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.347.
3. Lê Văn Hải, Lê Thị Thu Hiền 2014: Thực trạng phát triển làng nghề ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Hội thảo làng nghề và phát triển du lịch, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh:37.
4. Nguyễn Thị Nghĩa 2014: Giải pháp cơ bản để bảo tồn các làng nghề truyền thống và phát triển du lịch tại các làng nghề ở Việt Nam, Hội thảo làng nghề và phát triển du lịch, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh:61.
5. Phạm Ngọc Trâm 2014: Phát triển du lịch làng nghề ven biển Việt Nam và Thái Lan. Những tiềm năng và nhận thức, Hội thảo làng nghề và phát triển du lịch, Nxb. Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh:589.
6. Trần Văn Thông 2003: Tổng quan du lịch – TP Hồ Chí Minh, Nxb. Giáo dục
7. Tiền Văn Triệu 2011: Cây dừa trong văn hóa Tây Nam Bộ, Nguồn: www.vanchuongviet.org
8. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên 2007: Địa chí Phú Yên, NXB Chính trị quốc gia.
9. Giá trị vô hình của cây dừa Việt Nam và định hướng khai thác. Nguồn: http://phuthuygaodua.vnweblogs.com/
10. Ngôn ngữ của dừa. Nguồn: http://hiephoiduavietnam.org/tin-tuc/6/92/367/ngon-ngu-cuadua.html
11. Du thuyền gáo dừa. Nguồn: www.thanhnien.com.vn/pages/20110101/du-thuyen-gaodua.aspx
12. Thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ dừa.
Nguồn: http://phuyentourism.gov.vn/
13. Nguồn gốc của cây dừa Việt Nam.
Nguồn:http://www.hiephoiduabentre.com.vn/index.php?Module=Content&Action=view
&id=1393&Itemid=2
14. Cây dừa dưới góc nhìn văn hóa dân gian. Nguồn:
http://phongdiep.net/default.asp?action=article&ID=11069

Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.

Các tin khác:
Cây dừa với việc khai thác sản vật địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ du lịch
Phát triển du lịch làng nghề ở Bến Tre
Cây dừa trong sự phát triển du lịch bền vững ở Bến Tre
Cây Dừa - Góc nhìn từ ngành du lịch
Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo cơ cấu để tăng hiệu quả kinh tế vườn dừa
Cây dừa Việt Nam - So sánh với cây dừa Đông Nam Á
Các sản phẩm dừa tại Việt Nam
Phát triển sản xuất dừa tại một số quốc gia Châu Á - Kinh nghiệm cho Việt Nam
Cây dừa Việt Nam qua khói lửa chiến tranh
Dấu ấn dừa trong đời sống của người dân Bến Tre
 
THĂM DÒ Ý KIẾN
Theo bạn, chất lượng nội dung Website này như thế nào ?
Rất phong phú
Khá phong phú
Chưa phong phú
Ý kiến khác
Dành cho Quảng cáo
Cơ sở SX Thạch dừa Minh Tâm
DNTN Hưng Long
Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
Công Ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu Huy Thịnh Phát
Thương hiệu mạnh
Cơ sở Dừa Xanh Bến Tre
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre
Thạch dừa Minh Châu
Cty TNHH MTV Chế biến Dừa Lương Quới
Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long
Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre
Kẹo dừa Thanhh Long
DNTN Trương Phú Vinh
Công ty Lê An
Công ty Cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 28.559.294
Online: 63
Sản phẩm doanh nghiệp
 
Trang chủ | Dịch vụ | Liên hệ - Góp ý
Về đầu trang
 
thiet ke web thiet ke web hcm thiet ke web vung tau thiet ke web gia vang hoa dat hoa dat son nuoc son nuoc noi that binh sua tre em san xuat moc khoa may ao thun