Những năm gần đây nhiều chủ vườn dừa ở tỉnh Bến Tre đã đầu tư cải tạo nhà, vườn để đón khách du lịch. Việc phát triển thêm các hoạt động kinh doanh du lịch đã giúp họ tăng thu nhập và cuộc sống làng quê trở nên phong phú hơn. Cây dừa là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều ở Bến Tre và cây dừa đã trở thành dấu hiệu nhận biết thương hiệu của ngành du lịch Bến Tre. Số lượt khách đến Bến Tre liên tục tăng qua các năm và phần lớn trong số đó đến các nhà vườn. Nhu cầu du lịch nhà vườn có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới. Vì vậy, để khai thác hiệu quả nguồn lực của các vườn dừa đáp ứng tốt nhất nhu cầu du lịch nhà vườn cần tìm kiếm một mô hình phát triển phù hợp. Trong bài viết này giới thiệu mô hình vườn dừa tham quan - dã ngoại và vườn dừa trải nghiệm - nghỉ dưỡng với những sản phẩm cung cấp khác nhau tương ứng với nhóm khách hàng nhằm đến khác nhau.
Từ khóa: Bến Tre, du lịch, thương hiệu, vườn dừa
Giới thiệu
Những năm gần đây khi nhu cầu du lịch nông thôn xuất hiện, nhiều chủ vườn dừa đã đầu tư cải tạo nhà vườn để đón khách du lịch. Việc phát triển thêm các hoạt động kinh doanh du lịch không chỉ giúp cho các nhà vườn này tăng được thu nhập mà còn tạo ra việc làmở nông thôn và cuộc sống làng quê trở nên phong phú hơn. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhu cầu du lịch nông thôn sẽ ngày càng tăng. Vậy các vườn dừa du lịch ở Bến Tre nên phát triển theo mô hình nào để khai thác hiệu quả nguồn lực và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường?. Để trả lời câu hỏi này trước hết cần thống nhất khái niệm vườn dừa du lịch. Đó là các hộ gia đình có đất vườn trồng dừa có tổ chức đón khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trong ngày và qua đêm. Những nhà vườn này tiến hành song song hai hoạt động sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ du lịch. Như vậy, các khu du lịch sinh thái vườn, các cơ sở chỉ kinh doanh dịch vụ du lịch nông nghiệp trong tỉnh Bến Tre không thuộc phạm vi của nghiên cứu này.
1. Giá trị kinh tế của cảnh quan vườn dừa
Theo Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2012 thì diện tích trồng dừa ở Bến Tre là 58.441 ha chiếm hơn 1/3 diện tích trồng dừa của cả nước. Các vườn dừa tập trung ở các huyện Giồng Trôm (14.482 ha), Mỏ Cày Nam (13.401 ha) và Mỏ Cày Bắc (8.500 ha) [4].
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm khác từ cây dừa mà giá trị kinh tế của cây dừa ngày càng tăng. Gáo dừa là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất than hoạt tính. Vỏ dừa, thân dừa được dùng làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Do đó, cây dừa không chỉ là cây ăn trái mà còn là cây công nghiệp. Do tầm quan trọng của cây dừa đối với nền kinh tế của tỉnh nên "Chương trình Phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020" đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành vào ngày 13 tháng 12 năm 2013 (Quyết định số 2300 QĐ-UBND). Chương trình này chú trọng việc nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm từ cây dừa thông qua việc tổ chức chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa, chưa đề cập đến việc khai thác cảnh quan của các vườn dừa.
Cảnh quan vườn dừa chỉ mang lại giá trị kinh tế trong điều kiện thị trường du lịch vườn dừa phát triển. Tuy nhiên, không phải bất kỳ vườn dừa nào cũng có cảnh quan đáp ứng yêu cầu đón khách tham quan. Những vườn dừa sản xuất không chú ý bố trí khoảng cách, vị trí cây trồng, lối đi phù hợp, cây dừa quá cao tiềm ẩn rủi ro ngã cây hoặc dừa rụng... không thể tổ chức đón khách tham quan được. Thật ra, kinh tế dừa nằm ở loại dừa cao lấy trái cho nguyên liệu công nghệ. Vì vậy, để vườn dừa sản xuất trở thành vườn dừa du lịch đòi hỏi phải đầu tư chỉnh sửa để có cảnh quan đẹp nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn cảnh quan và chụp hình. Vườn dừa du lịch cũng đòi hỏi phải có những chủng loại dừa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trái dừa của khách du lịch như dừa xiêm, dừa dâu, dừa dứa... để bán cho khách thăm vườn. Do đó những cây dừa thấp, nhiều trái vừa tạo cảnh quan đẹp vừa bán được trái ngay tại vườn. Hiện các vườn dừa đều không thu phí tham quan, phí này ẩn trong giá bán dừa nên khó đánh giá riêng giá trị kinh tế mang lại của cảnh quan. Trong khi đó chi phí tạo cảnh quan thì rất rõ ràng, bao gồm chi phí đầu tư ban đầu để bố trí lại lối đi, di dời, thay thế cây và chi phí thường xuyên như vệ sinh vườn, chăm sóc cây... Tuy nhiên cũng có thể tính được giá trị mang lại của cảnh quan bằng cách tính giá trị chênh lệch giữa doanh thu bán các sản phẩm dừa cho thương nhân và cho khách du lịch. Một vài vườn dừa có tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trú, phục vụ ăn uống và thu phí. Trong trường hợp này việc tính toán thu nhập từ cảnh quan phức tạp hơn nhiều. Tuy nhiên, việc tính toán này là cần thiết để các chủ vườn có thông tin ra quyết định đầu tư hay không.
2. Các dịch vụ của vườn dừa du lịch ở Bến Tre
Tùy vào vị trí, quy mô, khả năng tổ chức... các vườn dừa du lịch ở Bến Tre có danh mục dịch vụ cung cấp cho khách du lịch khác nhau. Phổ biến là các vườn dừa có diện tích nhỏ (dưới 0,5 ha), chỉ bán sản phẩm trực tiếp cho khách. Các vườn dừa có diện tích trên 1 ha có đầu tư cảnh quan và cơ sở vật chất khác để phục vụ khách như nhà nghỉ, nhà vệ sinh, nhà bếp... và liên kết với các công ty lữ hành tổ chức đón khách chưa nhiều. Khảo sát vườn dừa Sáu Điểmở Thành phố Bến Tre và Tư Ngạn ở Huyện Mỏ Cày Nam (tháng 6/2013) là hai vườn dừa có liên kết với Công ty du lịch Bảo Duyên (Bến Tre), cho thấy khác biệt về danh mục dịch vụ như: Bảng 1. Vườn Sáu Điểm ở gần khu trung tâm của thành phố, không tổ chức dịch vụ lưu trú nên danh mục dịch vụ ít hơn vườn Tư Ngạn.
Bảng 1. Các dịch vụ của vườn dừa du lịch ở Bến Tre1
STT
|
Vườn dừa
|
Sáu Điểm
|
Tư Ngạn
|
1
|
Tham quan vườn, võng nghỉ
|
Tham quan vườn, võng nghỉ
|
2
|
Giải khát và ăn nhẹ với các món từ dừa
|
Giải khát và ăn nhẹ với các món từ dừa
|
3
|
Bán sản phẩm mang về
|
|
4
|
Giao lưu với chủ vườn
|
Giao lưu với chủ vườn
|
5
|
|
Phục vụ các bữa ăn sáng, trưa, tối với các nguyên liệu tại chỗ.
|
6
|
|
Lưu trú
|
7
|
|
Đi chợ nông thôn, giao lưu với láng giềng
|
8
|
|
Đạp xe trên đường làng
|
9
|
|
Hướng dẫn chế biến món ăn từ dừa
|
Nguồn: khảo sát của tác giả
Các món ăn vườn Tư Ngạn phục vụ và hướng dẫn cho khách du lịch tự chế biến hầu hết đều có sử dụng nguyên liệu từ cây dừa (xem bảng 2). Khách có thể vào bếp cùng chủ nhà chế biến món ăn, tìm hiểu về các loại nguyên liệu, cách chế biến, cùng dọn bàn và nếu thích có thể mua những món có thể đem về như gà luộc, thịt cá kho và các loại rau thiên nhiên trong vườn. Bảng 2 cho thấy các món ăn mà khách du lịch có thể lựa chọn và đặt trước để nhà vườn chuẩn bị nguyên liệu.
Bảng 2. Danh mục món ăn ở vườn dừa Tư Ngạn
Số TT
|
Tên món ăn
|
Nguyên liệu từ dừa
|
1
|
Thịt kho trứng
|
Nước dừa tươi
|
2
|
Tép rang dừa
|
Nước cốt dừa
|
3
|
Bánh canh tôm
|
Nước cốt dừa
|
4
|
Bánh xèo
|
Nước cốt dừa
|
5
|
Canh chua cá
|
Nước dừa tươi
|
6
|
Gỏi củ hủ dừa
|
Củ hủ dừa
|
7
|
Cháo dừa
|
Nước cốt dừa
|
Nguồn: khảo sát của tác giả
Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia 2 thì các nhà vườn ở Bến Tre hiện nay chưa đủ sức đầu tư cho những sản phẩm phức tạp đòi hỏi phải có nhân lực qua đào tạo chuyên nghiệp, các chủ vườn dừa không muốn mạo hiểm đầu tư nhiều vốn để sửa chữa nhà và vườn cây. Các chủ vườn dừa cũng chưa coi nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch là nguồn thu chính. Mục đích chính của việc kinh doanh du lịch là để cuộc sống thú vị hơn nhờ được giao lưu với nhiều người đến từ nhiều nơi và để tạo ra việc làm cho những người trong làng có ít hoặc không có đất.
Kết quả khảo sát khách du lịch đến Bến Tre 3 cho thấy 77% khách du lịch đến Bến Tre là để đến các nhà vườn, trong đó 63,5% cho rằng cảnh quan vườn là đẹp, 61,3% cho rằng môi trường trong lành, 50% trả lời rằng sẽ trở lại trong thời gian gần nhất và 35% trả lời rằng sẽ giới thiệu cho người khác biết đến. Điều này cho thấy thị trường du lịch nhà vườn là rất có tiềm năng. Tuy nhiên, các vườn dừa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp và có lợi thế hơn về độ phong phú của sản phẩm là các vườn trái cây đủ loại như chôm chôm, nhãn, cam, bưởi, xoài, sầu riêng, măng cụt... Bảng 3 cho thấy những dịch vụ hiện có được khách du lịch ưa thích với số người thích và rất thích đạt trên 50% số người được hỏi.
Bảng 3. Ý kiến của khách du lịch về dịch vụ du lịch nhà vườn ở Bến Tre
STT
|
Dịch vụ
|
Thích
(%)
|
Rất thích
(%)
|
Cộng
(%)
|
1
|
Nghỉ ngơi trong vườn
|
28
|
42
|
70,0
|
2
|
Thưởng thức các món ăn dân dã
|
21,4
|
41
|
62,4
|
3
|
Tham quan lò kẹo
|
27,3
|
39,4
|
66,7
|
4
|
Đi xe ngựa
|
32,5
|
31,6
|
64,1
|
5
|
Đi ghe xuồng trên sông
|
27,8
|
56,8
|
84,6
|
6
|
Đạp xe trên đường làng
|
27,1
|
42,4
|
69,5
|
7
|
Nghe đờn ca tài tử
|
39
|
39
|
78,0
|
Nguồn: Xây dựng mạng lưới nhà vườn du lịch ở tỉnh Bến Tre [2]
Sản phẩm mang tính văn hóa đặc trưng là giao lưu với dân làng, nghe đàn ca tài tử - với những bài vọng cổ - một thể loại âm nhạc của dân miệt vườn. Khách có thể cùng uống trà nói chuyện với chủ nhà và láng giềng của họ, lắng nghe đàn ca. Vào những đêm trăng sáng còn có thể ngồi trên những chiếc xuồng nhỏ chèo dọc theo các con kênh trong làng. Nếu muốn ngủ đêm, khách phải đến những nhà có dịch vụ lưu trú. Những căn nhà gỗ, mái lá thoáng mát, không cần phải có máy điều hòa nhiệt độ cho du khách hưởng một đêm trong lành giữa vườn dừa, sáng sớm nghe chim hót, đi bộ hoặc chạy xe đạp trên đường làng ngắm cảnh thôn quê, đi chợ nông thôn, giao lưu với dân bản địa. Giá lưu trú 1 ngày đêm bao gồm 2 bữa ăn tối và sáng chỉ từ 300 đến 400 ngàn đồng.
Nhờ các công ty lữ hành quảng bá nên hiện nay du khách trong và ngoài nước đã biết nhiều đến các vườn dừa du lịch. Sản xuất nông nghiệp kết hợp với kinh doanh du lịch đã giúp tạo ra thêm nhiều việc làm cho người dân nông thôn, thu nhập tăng, đời sống văn hóa cũng phong phú hơn. Nhưng khi du lịch phát triển mạnh, khách đến nhiều thì cộng đồng dân cư sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh như gìn giữ cảnh quan, môi trường sinh thái, an ninh trật tự, nếp sinh hoạt truyền thống.
3. Phát triển mô hình vườn dừa du lịch ở Bến Tre
Quá trình phát triển nông trại du lịch trên thế giới đã cho thấy đó là con đường để duy trì sản xuất nông nghiệp trong điều kiện nền kinh tế phát triển như ở các nước châu Âu (Ý, Thụy sĩ, Pháp...). Còn ở các nước nghèo đó là con đường để xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí như ở các nước châu Phi, châu Á (Ấn độ, Malaysia...). Ở các nước có ngành công nghiệp phát triển quá nhanh làm mất cân bằng nền kinh tế thì đó là con đường để tạo thế cân bằng giữa ngành công nghiệp và nông nghiệp như ở Hàn Quốc.
Ở các nước châu Âu có ba kiểu phổ biến là nông trại giáo dục, nông trại khám phá và nông trại nghỉ dưỡng. Mỗi kiểu nhắm đến một nhóm khách hàng riêng. Các nông trại giáo dục nhắm đến nguồn khách là học sinh, sinh viên với các kỳ nghỉ được thiết kế theo chủ đề phù hợp với từng lứa tuổi hay các chương trình học ngoại khóa do các trường thiết kế. Các nông trại khám phá nhắm đến các gia đình trẻ hay những thanh niên muốn tìm kiếm những điều mới lạ. Còn các nông trại nghỉ dưỡng cung cấp dịch vụ chất lượng cho người lớn và cả trẻ em với các hoạt động phong phú phù hợp với mong đợi của mọi người thuộc mọi lứa tuổi. Do nhắm đến khúc thị trường khác nhau, sản phẩm của mỗi loại nông trại rất khác nhau và giá cả cũng rất chênh lệch. Ở các nông trại giáo dục khách du lịch sẽ được học cách nuôi gia súc, trồng hoa màu và được thực hành làm thử. Thông qua nhiều hoạt động, các nông trại giáo dục làm công việc truyền bá kiến thức thuộc các lĩnh vực mà du khách quan tâm một cách thoải mái, vui vẻ. Ở các nông trại khám phá khách sẽ được thực sự sống trong thế giới nông nghiệp thông qua các hoạt động của nông trại như chăn nuôi, trồng trọt, chế biến các món ăn từ nguồn nguyên liệu do nông trại sản xuất, tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi một số cây trồng và vật nuôi. Ở các nông trại nghỉ dưỡng khách du lịch sẽ có được một cuộc sống dễ chịu hòa mình với thiên nhiên, đồng thời trải nghiệm cuộc sống ở làng quê mà cư dân thành phố ít được biết. Khách có thể sử dụng dịch vụ nhà ở cho thuê với đủ trang thiết bị trong nhà để tự nấu ăn như ở nhà mình.
Ở Hàn Quốc, vào năm 2004, chính phủ đã triển khai chương trình “làng trải nghiệm văn hóa nông nghiệp xanh”4 ở 32 làng. Sau đó chương trình này được mở rộng với mục tiêu 1.000 làng vào năm 2013. Để vận hành được các làng du lịch xanh, chính phủ đã hỗ trợ chương trình đào tạo 800 nông dân là những người đã về hưu có nhiều kinh nghiệm, trở thành những người lãnh đạo các làng du lịch này. Đồng thời, chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chiến dịch “Mỗi công ty - Một làng nông nghiệp”. Mỗi công ty sẽ đầu tư cho một làng với sốtiền tối thiểu 300.000 USD và hằng năm đưa nhân viên, công nhân về các làng này tham gia thu hoạch và tiêu thụ các loại nông sản. Các nhân viên, công nhân cũng được khuyến khích đưa người thân về các làng du lịch.[3]
Các vườn dừa du lịch ở Bến Tre đang hoạt động ở giai đoạn đầu của mô hình nông trại du lịch. Trong tương lai khi nhu cầu tăng mạnh, số lượt khách đến tăng và yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng sẽ cao hơn. Các vườn dừa du lịch muốn hoạt động hiệu quả cần lựa chọn khúc thị trường phù hợp để phục vụ. Qua nghiên cứu các mô hình và từ kết quả khảo sát ý kiến khách du lịch đến Bến Tre, gợi ý hai mô hình như sau:
1. Vườn dừa tham quan – dã ngoại: nhằm đến nhóm khách là học sinh, sinh viên muốn tìm nơi có không gian rộng rãi để tổ chức các hoạt động tập thể, lửa trại... Nhà vườn cũng có thể phục vụ ăn uống gọn nhẹ với những món ăn đơn giản theo yêu cầu của khách. Với mô hình này nhà vườn không cần phải đầu tư nhiều vốn để sửa chữa nhà và vườn cây, chỉ cần dành khoảng sân rộng, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, đặt thùng rác, và một vài bàn ghế. Nếu tổ chức lửa trại thì khách có thể dựng lều để nghỉ đêm.
2. Vườn dừa trải nghiệm - nghỉ dưỡng: nhằm đến nhóm khách là cư dân đô thị có việc làm có thu nhập khá và những người sắp hoặc đã nghỉ hưu, những người cư trú ở nước ngoài và khách nước ngoài. Các dịch vụ đa dạng hơn nhất là dịch vụ lưu trú nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách. Nơi lưu trú có thể được thiết kế thành nhà riêng tách biệt với nhà của chủ vườn nhưng cũng có thể ngay trong nhà ở của chủ vườn. Những nhà riêng dành cho những khách muốn có không gian riêng tư, hưởng thụ thiên nhiên trong lành của làng quê. Phòng ở trong nhà chủ vườn dành cho những khách muốn thực sự trải nghiệm cuộc sống ở nông thôn, như là người thân trong gia đình của chủ nhà. Nhà lưu trú nên theo kiểu nhà phổ biến ở miền quê nam bộ, có thể trang bị một số phương tiện hiện đại nhưng cũng có thể giữ đúng nhà nông dân xưa đáp ứng nhu cầu cho những khách muốn thực sự trải nghiệm một cuộc sống nông thôn xưa. Để khách không thấy buồn tẻ, nhàm chán và lưu trú lâu hơn nên phát triển đồng thời nhiều dòng sản phẩm như:
- Dòng sản phẩm du lịch sinh thái: ngoài việc sống trong một môi trường thiên nhiên trong lành khách du lịch còn được trải nghiệm công việc của một nhà nông như chăm sóc cây trồng, vật nuôi, câu cá, hái quả,...
- Dòng sản phẩm du lịch văn hóa: tìm hiểu văn hóa làng quê nam bộ qua những buổi giao lưu với dân bản địa. Khách cùng uống trà nói chuyện với chủ nhà và láng giềng của họ, lắng nghe đàn ca tài tử - với những bài vọng cổ - một thể loại âm nhạc của dân bản địa và có thể tập đàn ca. Vào những đêm trăng sáng có thể đưa khách đi xuồng dọc theo các con kênh trong làng và nghe các điệu hò. Nhà vườn cũng có thể đưa khách đi chợ quê, tham quan các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ, nuôi ong, làm bánh tráng, làm kẹo dừa, nhà truyền thống, bảo tàng,... ở trong làng.
- Dòng sản phẩm du lịch thể thao: tổ chức cho khách tập các môn thể thao như đi bộ hoặc chạy xe đạp trên đường làng ngắm cảnh thôn quê vào sáng sớm. Tổ chức cho khách chèo thuyền, trèo cây hay chơi các trò chơi dân gian.
- Dòng sản phẩm du lịch ẩm thực: nên để khách tham gia vào việc chế biến các món ăn hơn là phục vụ bữa ăn với các món đã nấu sẵn. Vì vậy, phải đầu tư một nhà bếp đủ rộng, sạch sẽ với đủ dụng cụ chế biến. Đưa khách đi chợ mua nguyên liệu hoặc ra vườn tìm nguyên liệu thích hợp, hướng dẫn khách cách chế biến, cách ăn.
Dù cho là sản phẩm thuộc dòng sản phẩm nào cũng nên tìm cách để khách trải nghiệm vì như vậy mới tiêu tốn nhiều thời gian. Đó là cách hữu hiệu để kéo dài thời gian lưu trú của khách.
Kết luận
Do quy mô của mỗi vườn dừa là nhỏ, và kinh doanh du lịch chỉ là một hoạt động song song với sản xuất nông nghiệp nên các vườn dừa cần có sự hỗ trợ để phát triển. Hiện các nhà vườn ở Bến Tre đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, chính quyền địa phương hỗ trợ quảng bá. Một tổ chức nghề nghiệp là cần thiết để liên kết các vườn dừa với nhau, đại diện cho các thành viên về thủ tục, chính sách, những vấn đề liên quan tới nhà nước và pháp luật, kêu gọi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng chung cũng như nguồn vốn vay cho các nhà vườn cải tạo nhà và vườn cây của họ, tiếp nhận các khoản tài trợ, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường... Theo kinh nghiệm của các nước Hiệp hội là tổ chức phù hợp và chính quyền trung ương hoặc địa phương giữ vai trò chủ động trong giai đoạn thành lập. Quản lý điều hành Hiệp hội có thể là những chủ nhà vườn đi tiên phong trong kinh doanh du lịch, có kinh nghiệm đã qua các khóa huấn luyện về quản lý hoặc những người từng là viên chức tại địa phương hiện đã về hưu, là con cháu của các chủ nhà vườn được học hành, có nghiệp vụ hoặc có thể tuyển dụng những người quản lý chuyên nghiệp.
CHÚ THÍCH:
1. Nguồn: khảo sát của tác giả
2. Phỏng vấn đã được tiến hành vào tháng 6/2013 với 14 chuyên gia khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng mạng lưới nhà vườn du lịch cho tỉnh Bến Tre” do trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí.
3. Lấy ý kiến 270 khách du lịch đến Bến Tre vào tháng 9/2013 khi thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng mạng lưới nhà vườn du lịch cho tỉnh Bến Tre” do trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí và Công ty Du lịch Bảo Duyên hỗ trợ triển khai.
4. Green agricultural experience villages
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Thomas Egger 2008: L‘agrotourisme en Suisse – Analyse de la situation actuelle et
recommandations, Étude mandatée par Agora et tourisme - rural.ch,
2. Đoàn Thị Mỹ Hạnh, Bùi Thị Quỳnh Ngọc 2014: Xây dựng mạng lưới nhà vườn du lịch ở tỉnh Bến Tre, Đề tài nghiên cứu khoa học do Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí.
3. Lee, S., Nam, S. 2006: Agro-tourism as a rural development strategy in Korea, Asian Productivity Organization seminar, Taiwan, Republic of China
4. Niên giám thống kê tỉnh Bến Tre năm 2012, Cục Thống Kê tỉnh Bến Tre
5. http://www.congthuongbentre.gov.vn/home/tong-quan-ve-ben-tre-Print29.htm
6. http://www.bentre.gov.vn
Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.