Danh mục
VĂN BẢN MỚI
THƯƠNG HIỆU
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
TIN TỨC & SỰ KIỆN
DN & SẢN PHẨM
HỘI NHẬP
KHỞI NGHIỆP & QTKD
LIÊN KẾT/HỢP TÁC
TIN CỘNG ĐỒNG (ICC)
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
BẢN TIN GIÁ DỪA
HỘI CHỢ - TRIỂN LÃM
CƠ HỘI KINH DOANH
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIN CÔNG NGHỆ
KỸ THUẬT TRỒNG DỪA
DỪA VÀ SỨC KHỎE
VĂN HÓA DỪA
VIDEO CLIP
LỄ HỘI DỪA BẾN TRE
THỐNG KÊ NGÀNH DỪA
THƯ VIỆN ẢNH
HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI DỪA

“ Website này được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo Bến Tre (DBRP Bến Tre ) và sự góp sức của nhiều bạn bè. Hiệp hội Dừa Bến Tre rất mong thành viên của Hiệp hội và thân hữu xa gần tiếp tục giúp đỡ, góp ý và gởi tin - bài, để  Website ngày càng hoàn chỉnh và có ích”.

HIỆP HỘI DỪA BÊN TRE

Thông tin cần biết
 
Cây dừa Việt Nam với ngành du lịch đương đại: Nhìn từ góc độ cộng đồng địa phương và khách du lịch
28-11-2014

Phạm Lan Hương - ThS. Khoa Di sản văn hóa - Trường Đại học Văn hóa Tp. HCM

Cây dừa Việt Nam với ngành du lịch đương đại: Nhìn từ góc độ cộng đồng địa phương và khách du lịch

Trong xu thế của du lịch đương đại, các vấn đề thường bắt nguồn từ 2 yếu tố: cộng đồng địa phương và khách du lịch. Đây là 2 yếu tố nền tảng trong việc định hướng phát triển du lịch bền vững ở mỗi quốc gia. Xây dựng chiến lược du lịch sinh thái dừa Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững cũng cần nhìn nhận từ 2 góc độ này: sự tác động của du lịch đối với cộng đồng địa phương; khách du lịch – nhu cầu, các xu hướng của khách du lịch và nghiên cứu khách du lịch.
Từ khóa: cây dừa, cộng đồng địa phương, du lịch, khách du lịch, sản phẩm du lịch
Du lịch là một trong những nhu cầu tất yếu của xã hội, đóng vai trò không nhỏ đối với phát triển kinh tế địa phương nói riêng, quốc gia nói chung. Lịch sử du lịch Việt Nam gắn liền bối cảnh của đất nước qua từng giai đoạn. Bước ngoặt trong sự phát triển của du lịch Việt Nam là Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, thông qua chính sách đổi mới. Từ khoảng những thập niên cuối của thế kỷ XX, Việt Nam đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong du lịch. Hoạt động này góp phần duy trì và mở rộng thị trường cho du lịch Việt Nam, tăng cường và trao đổi du lịch giữa các nước, tranh thủ được sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong các lĩnh vực như xây dựng Luật Du lịch, thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản phẩm du lịch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế trong du lịch giúp cho Việt Nam những kinh nghiệm và ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ vào quản lý và phát triển du lịch, tạo những thuận lợi cho du lịch Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới.
Theo nhận xét của 3 nhà nghiên cứu từ hai trường đại học tại Úc: “Cũng như bất cứ điểm du lịch nào, vị trí Việt Nam là một hàng hoá, được đóng gói và phân phát theo các phương pháp khác nhau. Những cái bản địa và những cái ngoại lai được tách ra khỏi không gian và thời gian, rồi đóng gói đưa ra chợ trời thế giới. Trong trường hợp Việt Nam, cảnh quan được mô tả như là một bộ phận của châu Á “chính thống” (cổ, truyền thống), nhưng nếu vén chiếc màn che mặt lên thì ta sẽ thấy nó thật hấp dẫn và thực tế còn vượt xa cả sự lãng mạn… Việt Nam là một điểm chưa được khám phá,một nơi phiêu lưu mới ở châu Á1.
Ở Việt Nam, trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập, ngành công nghiệp không khói được nhiều tỉnh thành chú trọng đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, ngành du lịch vẫn chưa thực sự hoạt động hiệu quả. Các điểm tham quan chưa thể hiện được bản sắc, đặc trưng của từng địa phương, các công ty du lịch chưa phát huy vai trò của mình trong các hoạt động nghiệp vụ. Đặc biệt, với giai đoạn thế giới có nhiều biến động, nhu cầu của du khách ngày càng đa dạng và chuyên biệt, số lượng khách du lịch không ổn định, việc xây dựng chiến lược, đề xuất các giải pháp phát triển hoạt động du lịch vô cùng thiết thực. Tham gia Hội thảo “Cây dừa Việt Nam – giá trị và tiềm năng” của Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Tp.HCM và hiệp Hội Dừa Việt Nam, qua tham luận này, chúng tôi đề cập đến vấn đề du lịch sinh thái dừa từ góc độ cộng đồng địa phương và khách du lịch. Đây là 2 yếu tố nền tảng trong việc định hướng phát triển du lịch bền vững ở mỗi quốc gia.
1. Một số khái niệm liên quan
- Cộng đồng:
Theo cách giải thích của wikipedia, cộng đồng là một thể thống nhất các đối tượng sống trong cùng một môi trường2.
Trong ngôn ngữ xã hội học, thuật ngữ cộng đồng chỉ các kiểu loại định cư, những người dân sống trong một làng, hay thậm chí những tập hợp theo vùng địa lý quanh các đô thị, lối sống và mạng lưới xã hội của các thành viên của nó3. Rộng hơn, cộng đồng có thể giống với khái niệm về chủ thể xã hội của Bettlhem, tức là nơi mà việc thỏa mãn các nhu cầu xã hội và văn hóa cũng như các quan hệ giữa người với người bên ngoài cấp độ gia đình có được một cơ sở đầu tiên để thực hiện4.
Cộng đồng trong quan niệm Mác-xít là mối liên hệ qua lại giữa các cá nhân, được quyết định bởi sự cộng đồng các lợi ích của các thành viên có sự giống nhau về các điều kiện tồn tại và hoạt động của những con người hợp thành cộng đồng đó, bao gồm các hoạt động sản xuất vật chất và các hoạt động khác của họ, sự gần gũi giữa họ về tư tưởng, tín ngưỡng, hệ giá trị và chuẩn mục, nền sản xuất, sự tương đồng về điều kiện sống cũng như các quan niệm chủ quan của họ về các mục tiêu và phương tiện hoạt động.5
Tóm lại, cộng đồng là một trong những khái niệm xã hội học có nhiều tuyến nghĩa khác nhau. Trong đời sống xã hội, khái niệm cộng đồng được sử dụng một cách tương đối rộng rãi, để chỉ nhiều đối tượng có những đặc điểm khác nhau về quy mô, đặc tính xã hội. Như diễn giải của tác giả Võ Quế, rộng nhất là nói đến những khối tập hợp người, các liên minh rộng lớn như cộng đồng thế giới, cộng đồng châu Âu..., nhỏ hơn danh từ được áp dụng cho một kiểu/hạng xã hội, căn cứ vào những đặc tính tương đồng về sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo. Nhỏ hơn nữa, danh từ cộng đồng được sử dụng cho các đơn vị xã hội cơ bản là gia đình, làng, hay một nhóm xã hội nào đó có những đặc tính xã hội chung về lý tưởng xã hội, lứa tuổi, giới, nghề nghiệp, thân phận xã hội như các đảng phái, nhóm những người lái xe taxi, nhóm người khiếm thị...6
Theo kết quả nghiên cứu của một số học giả trên thế giới, các yếu tố chính của cộng đồng là địa vực (tập thể người định cư trên một vùng đất đai), kinh tế (các hoạt động kinh tế hay nghề nghiệp đóng góp vào sự cố kết cộng đồng, tạo ra sự thống nhất chung), văn hóa (biểu thị có tính tổng hợp khi nhận biết các cộng đồng, như truyền thống lịch sử, tộc người, tôn giáo tín ngưỡng, hệ thống giá trị chuẩn mực, phong tục tập quán...).
Cộng đồng xã hội, theo từ điển Bách khoa Việt Nam, là một tập đoàn người rộng lớn có những dấu hiệu, những đặc điểm xã hội chung về thành phần giai cấp, về nghề nghiệp, về địa điểm sinh tụ và cư trú. Cũng có những cộng đồng xã hội bao gồm cả một dòng giống, một sắc tộc, một dân tộc.
Như vậy, cộng đồng xã hội bao gồm một loạt các yếu tố xã hội chung mang tính phổ quát. Đó là những cộng đồng về kinh tế, về địa lý, về ngôn ngữ, về văn hóa, về tín ngưỡng, về tâm lý, lối sống...7
Trong phạm vi bài viết này, khi đề cập đến cộng đồng địa phương, nhóm tác giả sử dụng khái niệm “cộng đồng” theo nghĩa cộng đồng về địa lý. Cộng đồng địa phương ở đây hàm nghĩa các cư dân sinh sống ở các điểm du lịch địa phương.
- Khách du lịch:
Là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, làm việc hoặc hành nghề để nhận thu nhập ở nơi đến.
Tiếng Anh, visitor (khách thăm viếng) là một người đi tới một nơi – khác với nơi họ thường trú, với một lý do nào đó (ngoại trừ lý do đến để hành nghề và lĩnh lương từ nơi đó). Định nghĩa này có thể được áp dụng cho khách quốc tế (International Visitor) và du khách trong nước (Domestic Visitor). Khách thăm viếng được chia thành hai loại:
+ Khách du lịch (Tourist): Là khách thăm viếng có lưu trú tại một quốc gia hoặc một vùng khác với nơi ở thường xuyên trên 24 giờ và nghỉ qua đêm tại đó với mục đích nghỉ dưỡng, tham quan, thăm viếng gia đình, tham dự hội nghị, tôn giáo, thể thao.
+ Khách tham quan (Excursionist), còn gọi là khách thăm viếng 1 ngày (Day Visitor), là khách thăm viếng lưu lại ở một nơi nào đó dưới 24 giờ và không lưu trú qua đêm.
Bên cạnh đó, khách du lịch còn được phân chia theo phạm vi lãnh thổ (Du khách quốc tế - International Tourist và Du khách nội địa - Domestic Tourist) và phân chia theo loại hình du lịch:
Khách du lịch truyền thống
Khách du lịch biển
Khách nghỉ mát
Khách du lịch giải trí
Khách du lịch chuyên biệt
Khách du lịch văn hoá
Khách du lịch sinh thái
Khách du lịch nông thôn
Khách du lịch đô thị
Khai thác cây dừa trong du lịch, các địa phương xác định chiến lược đáp ứng sự đa dạng của du khách, từ nhiều hình thức phân loại, bao gồm cả khách du lịch và khách tham quan; khách du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch nông thôn, du lịch giải trí, du lịch truyền thống, du lịch chuyên biệt... Có như vậy, các khu du lịch gắn với cây dừa Việt Nam mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách.
- Sản phẩm du lịch
Sản phẩm đặc trưng cuả du lịch là các chương trình du lịch, là sự liên k ết những di tích lịch sử, di tích văn hoá và cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng cùng với cơ sở vật chất - kỹ thuật như cơ sở lưu trú, ăn uống, vận chuyển. Nói cách khác, sản phẩm du lịch là một tổng thể bao gồm các thành phần không đồng nhất hữu hình và vô hình, đó là tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch.
Cơ cấu của sản phẩm du lịch gồm có:
+ Những thành phần tạo lực hút (lực hấp dẫn đối với du khách) gồm nhóm tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn.
+ Cơ sở du lịch (Điều kiện vật chất để phát triển ngành du lịch) gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
+ Dịch vụ du lịch: là kết quả mang lại nhờ các hoạt động tương tác giữa những tổ chức cung ứng du lịch và khách du lịch và thông qua các hoạt động tương tác đó để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và mang lại lợi ích cho tổ chức cung ứng du lịch.
2. Du lịch và cộng đồng địa phương
Cộng đồng địa phương là chủ thể văn hóa của các điểm du lịch. Du lịch ở từng địa điểm phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào các cộng đồng cư dân. Du lịch ngay trên địa bàn sinh sống của họ, trên môi trường không gian tự nhiên, văn hóa và xã hội của họ. Các sản phẩm của du lịch (các nghề thủ công, trình diễn văn hóa, ẩm thực địa phương…) đều do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền. Cộng đồng địa phương còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Đối với du lịch gắn với cây dừa, cộng đồng địa phương là những cư dân gắn bó lâu đời với cây dừa, với các kiến thức và kinh nghiệm dân gian trong việc trồng và sử dụng dừa cũng như các sản phẩm từ dừa, trong việc bảo vệ môi trường sinh thái dừa, đồng thời là chủ thể văn hóa của các giai điệu, vần thơ, điệu múa… gắn với cây dừa.
Tuy nhiên, khi đưa cây dừa vào khai thác du lịch, sẽ có không ít những tác động của du lịch đối với cộng đồng địa phương. Cụ thể như:
- Du lịch có thể làm tăng gánh nặng lên người dân địa phương mà không tạo ra những lợi ích giảm thiểu. Thu nhập từ du lịch thường đến với các nhóm dân cư khác (VD các công ty lữ hành, các cư dân kinh doanh trên địa bàn…) chứ không phải là những người chịu gánh nặng của tài nguyên giảm dần.
- Tiềm năng của các hoạt động du lịch không đồng đều cho sự tham gia của cộng đồng. Một số hoạt động du lịch hiện đại cần có sự đào tạo chuyên nghiệp, bài bản, cần có các kỹ năng và trình độ học vấn mà cộng đồng địa phương không phải ai cũng đạt được yêu cầu này.
- Hàng hóa hóa văn hóa và sự xói mòn các tập quán văn hóa. Trong bối cảnh du lịch, những biểu tượng văn hóa được đối xử như hàng hóa có thể mua bán hoặc thay đổi. Vì điều này xảy ra, người ta bắt đầu biểu diễn chủ yếu để phục vụ khách du lịch và các sự kiện có thể mất đi giá trị của chúng như là một biểu hiện văn hóa và tinh thần 8.
- Sự chấp nhận của cộng đồng địa phương đối với du lịch phụ thuộc nhiều vào mức độ mà điểm du lịch thể hiện nhu cầu và mong muốn của người dân địa phương và sự hòa nhập của họ vào ngành công nghiệp này. Các tác động văn hóa và kinh tế giảm đi nơi các nhóm địa phương có một số chủ quyền đối với đất đai của mình, nơi họ được hòa nhập vào ngành công nghiệp du lịch. Sự tiếp cận của người dân địa phương vào một điểm du lịch và quan niệm rằng điểm du lịch mang lại những lợi ích kinh tế thông qua việc tạo ra việc làm hoặc thu nhập thêm cho nền kinh tế địa phương là các yếu tố khác góp phần làm cho cộng đồng chấp nhận.
- Xung đột nảy sinh khi những lợi ích kinh tế của du lịch không được phân phối đều, đặc biệt là khi nó tạo ra khoảng cách giàu nghèo lớn.
Khai thác cây dừa đối với việc xây dựng chiến lược du lịch bền vững rất cần sự nhìn nhận, đánh giá các tác động đối với cộng đồng địa phương. Có chú ý đến các chủ thể văn hóa mới tạo ra được các hoạt động du lịch hấp dẫn cũng như các phương thức quản lý du lịch phù hợp.
3. Khách du lịch
3.1. Nhu cầu của khách du lịch
Du lịch, trước hết là một hoạt động giải trí. Du khách tham gia các hoạt động du lịch chính là phục vụ nhu cầu “tự khẳng định và chuẩn bị cho sự phát triển cá nhân”9.
Tuy nhiên, giải trí không chỉ là hiện tượng xã hội phản ánh cấu trúc thể chế của xã hội. Nó còn là thế giới rộng mở, trong đó mỗi cá nhân thực hiện những hành động có liên quan tới việc họ là ai và họ sẽ trở nên như thế nào. Luôn có một phần giải trí phát triển trong suốt cuộc đời. Trẻ em học và phát triển trong khi chơi. Trên thực tế, việc xã hội hóa quan trọng nhất diễn ra trong khi chơi. Trong suốt cuộc đời, cá nhân tiến hành và ôn lại những hành động chủ ý để họ có thể trở thành con người mà họ muốn và có một vài mối quan hệ cộng đồng với những người mà họ muốn chia sẻ một phần nào đó trong cuộc sống của họ. Giải trí vì vậy liên quan chặt chẽ đến sự tự xác định và kế hoạch phát triển. Ý nghĩa của giải trí không phải là tính tạm thời, mà tập trung chủ yếu vào chất lượng của sự trải nghiệm.10
Hầu hết khách du lịch, cũng như những ai muốn tham gia hoạt động giải trí nói chung, đều bị thúc giục bởi:
+ Mong muốn củng cố bản sắc riêng thông qua các hoạt động du lịch;
+ Mong muốn tiếp tục tự phát triển về trí tuệ, văn hóa, tình cảm và xã hội.
Nghiên cứu gần đây của một số nhà xã hội học Hoa Kỳ cho thấy, ngoài những hoạt động giải trí khác, một số cá nhân lựa chọn đi du lịch vì họ muốn điều gì đó đặc biệt mà các sản phẩm du lịch có thể cung cấp. Họ muốn những trải nghiệm cụ thể. Và, họ có vẻ muốn những trải nghiệm đó như một phần của cuộc đời họ11. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, các trải nghiệm có thể chia làm bốn loại chính: trải nghiệm xã hội, trải nghiệm vật thật, trải nghiệm nhận thức và trải nghiệm nội tâm.
- Trải nghiệm xã hội: Dành thời gian với bạn bè/gia đình/những người khác.
- Trải nghiệm vật thật
* Bị xúc động bởi vẻ đẹp.
* Xem những thứ hiếm lạ giá trị.
- Trải nghiệm nhận thức
* Làm phong phú thêm hiểu biết.
* Thu nhận thông tin hoặc tri thức.
* Phản hồi lại ý nghĩa của những gì đã nhìn thấy.
- Trải nghiệm nội tâm
* Cảm thấy một mối liên hệ tinh thần.
* Tưởng tượng ra thời gian và không gian khác.
* Nghĩ xem nếu sở hữu những thứ đó sẽ ra sao.
* Gợi nhớ lại những chuyến đi kinh nghiệm thời thơ ấu những ấn tượng khác.
Chính vì vậy, du lịch sinh thái dừa cần đưa ra các sản phẩm du lịch đáp ứng các nhu cầu trải nghiệm của du khách.
3.2. Vai trò của việc nghiên cứu khách du lịch
Những lý do để tiến hành một nghiên cứu khách:
- Để đạt được những dữ liệu có chất lượng mà còn giá trị và đáng tin cậy
- Để xác định những đối tượng công chúng
- Để điều tra về những nhu cầu và mong đợi của công chúng
- Để thu được những phản hồi về những sản phẩm du lịch
- Để đặt ra những ưu tiên cho việc lập kế hoạch (ngắn và dài hạn)
- Để biết tại sao mọi người đến và không đến địa điểm du lịch này
- Để đạt được những mục tiêu thu hút và thoả mãn khách du lịch, các địa phương tổ chức đánh giá các sản phẩm du lịch, hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Việc đánh giá này được thực hiện thông qua tiếp cận công chúng, du khách để thu thập dữ liệu, thông tin. Đánh giá là chìa khoá cho quá trình phát tri ển du lịch, được diễn ra giữa hai đối tượng: người làm công tác du lịch ở địa phương, của các công ty lữ hành và khách du lịch. Mục đích của công việc này là tìm hiểu khách du lịch có phản hồi như thế nào đối với các sản phẩm và dịch vụ du lịch để địa phương chỉnh lý, phát triển trưng bày. “Du khách không chỉ là những tấm bảng trống để viết lên trên mà họ có trí não riêng và có sự đam mê, thành kiến, hiểu biết riêng của họ”12. “Cần phải nghĩ cách đem đến cho du khách thứ gì đó mà họ không thể có khi ở nhà, ở trường hoặc ở thư viện, ở cửa hàng; và quyết định điều gì công chúng nên học, nên cảm nhận, thích thú hoặc tin tưởng” 13.
Việc nghiên cứu khách du lịch ngày càng quan trọng. Hoạt động này không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu của khách mà còn liên quan đến những nhà tài trợ, những nguồn đầu tư cho địa phương.
3.3. Một số xu hướng của khách du lịch hiện nay
Theo Cẩm nang quản lý du lịch tại các khu di sản thế giới, khách du lịch có các xu hướng như sau:
- Khách du lịch ngày càng quan tâm đến bảo vệ môi trường. Ngày càng nhiều khách coi trọng chất lượng môi trường và các dịch vụ. Khách du lịch hiện nay thích các điểm du lịch không bị phá hoại và không đông đúc, có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao.
- Quan tâm đến du lịch văn hóa
- Khách du lịch ngày càng muốn các trải nghiệm “thực” với các nền văn hóa và lối sống khác. Nói khác đi, khách du lịch chú ý đến kiến thức về văn hóa dân gian, các ngành nghề thủ công cũng như kiến thức về lịch sử địa phương.
- Khách du lịch ngày càng tìm kiếm các kỳ nghỉ mang tính chất giáo d ục.
Với kết quả tìm hiểu của cẩm nang quản lý du lịch, các khu du lịch gắn với cây dừa nên dựa trên những xu hướng du lịch của khách để xây dựng các hoạt động phù hợp.
4. Thay lời kết luận
Qua việc nhìn nhận từ 2 nhóm đối tượng: cộng đồng địa phương và khách du lịch nêu trên, chúng tôi có một số ý kiến đối với việc xây dựng chiến lược du lịch bền vững gắn với cây dừa như sau:
- Phân tích thị trường là cơ sở quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Có phân tích thị trường mới thấy được bối cảnh du lịch với các yếu tố về chính sách, khả năng kinh tế, nhu cầu xã hội và sự phát triển của khoa học kỹ thuật phục vụ ngành công nghiệp không khói này. Cũng trên kết quả phân tích thị trường, các nhà quản lý mới xác định sự đầu tư vào các hoạt động du lịch một cách hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay có rất nhiều công cụ, kỹ năng phân tích thị trường. Các địa điểm khai thác cây dừa vào phục vụ du lịch nên tham khảo, tiến hành phân tích thị trường để có chiến lược du lịch bền vững.
- Phát triển kinh tế từ du lịch không tự nhiên chuyển thành những hành động tham gia vào công tác bảo tồn và bảo vệ của cộng đồng. Mối quan hệ giữa lợi ích du lịch và các hoạt động bảo tồn có thể không rõ hoặc không có. Để tăng cường bảo tồn, cộng đồng địa phương phải được hưởng lợi về mặt kinh tế và thấy rõ mối quan hệ giữa lợi ích và nhu cầu bảo vệ nguồn tài nguyên. “Nếu lợi ích không ở lại với khu vực địa phương hoặc được phân phối rất ít, có rất ít cơ hội làm cho mối quan hệ này quan trọng”.14
- Sự ổn định và cơ cấu của một cộng đồng có ảnh hưởng quan trọng đến sự phục hồi của các tác động từ du lịch. Quản lý du lịch cần chú trọng vấn đề này khi khai thác các điểm du lịch liên quan đến cây dừa. Xác định các hoạt động sử dụng nguồn lực và kỹ năng trong các dịch vụ du lịch sẽ làm tăng lợi ích của cộng đồng địa phương cũng như việc phân phối thu nhập từ du lịch đối với cộng đồng địa phương.
- Khai thác các yếu tố văn hóa của cộng đồng địa phương vào phát triển du lịch, không nên áp đặt khách du lịch muốn xem gì ở cộng đồng mà quan tâm đến việc người dân địa phương – các chủ thể văn hóa chuẩn bị như thế nào để giới thiệu các di sản văn hóa đó cho khách du lịch.

CHÚ THÍCH:
1. Annabel Biles, Kate Lloyd, William S. Logan, 2000: Thị trường Việt Nam: những hình ảnh du lịch và thực tại, Việt Nam học, Kỷ yếu hội thảo Quốc tế lần thứ nhất, Hà Nội 15 – 17/07/1998, Tập 4, Nhà xuất bản Thế giới, tr.299, 300.
2.http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%83_lo%E1%BA%A1i:C%E1%BB%99ng_%C4%91%E1%BB%93ng
3. Bùi Quang Dũng 2007: Xã hội học nông thôn, NXB Khoa học Xã hội, Hà N ội:158.
4. Bùi Quang Dũng 2007: Sđd:160.
5. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang 2000: Phát triển cộng đồng, Lý thuyết và V ận dụng, Nxb. VHTT, Hà Nội:17.
6. Võ Quế 2006: Du lịch cộng đồng – Lý thuyết và vận dụng, tập 1, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội:13,14.
7. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam 1995: Từ điển Bách khoa Việt Nam 1, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội:601. 509
8. Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và phát triển văn hóa, 2009: Bảo tàng và Du lịch di sản, Tài liệu Khóa Mùa hè nghiên cứu và thực hành bảo tàng, Hà Nội, trang 34
9. Kelly, J. R., & Godbey, G., 1992: The Sociology of Leisure (Xã hội học của giải trí). State College, PA: Venture Publishing. Inc:.449.
10. Kelly, J. R., & Godbey, G.,1992: The Sociology of Leisure (Xã hội học của giải trí). State College, PA: Venture Publishing. Inc: 25,26.
11. Zahava D. Doering, 1999: Người lạ, khách hay khách hàng, trải nghiệm của khách tham quan, Hội thảo “Quản lý Nghệ thuật: Biểu diễn, Tài chính, Dịch v ụ Weimar”, Đức, 17- 19/3/1999
12. Roger Miles, Clark Giles, 1993: Bắt đầu bằng bước đi phù hợp: Đánh giá ban đầu, Trích từ Môi trường và Cách ứng xử 25 (6), tháng 11/1993, tr. 698 – 709, Nxb. Sage, Vương quốc Anh.
13. Manual of Curatorship, A guide to Museum practice Museums Association, do John M.A. Thompson biên tập, NXB Butterworth-Heinemann, Oxford, 1992: 174.
14.Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và phát triển văn hóa, 2009: Bảo tàng và Du lịch di sản, Tài liệu Khóa Mùa hè nghiên cứu và thực hành bảo tàng, Hà Nội: 36. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. International Scientific Committee on Cultural Tourism , 2003: Tourism at world heritage cultural sites: the site manager's hand book - ICOMOS.
2. Thủ tướng Chính phủ, 2011: Quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Số 2473 QĐ-TTg, ngày 30 tháng 12 năm 2011).
3. Trung tâm Nghiên cứu, Hỗ trợ và phát triển văn hóa, 2009: Bảo tàng và Du lịch di sản, Tài liệu Khóa Mùa hè nghiên cứu và thực hành bảo tàng, Hà Nội.
4. Tô Duy Hợp, Lương Hồng Quang, 2000: Phát triển cộng đồng, Lý thuyết và Vận dụng, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
5. Võ Quế, 2006: Du lịch cộng đồng – Lý thuyết và vận dụng, tập 1, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.
 

Các tin khác:
Mô hình vườn dừa du lịch ở Bến Tre
Cây dừa với phát triển du lịch văn hóa huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên
Cây dừa với việc khai thác sản vật địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ du lịch
Phát triển du lịch làng nghề ở Bến Tre
Cây dừa trong sự phát triển du lịch bền vững ở Bến Tre
Cây Dừa - Góc nhìn từ ngành du lịch
Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo cơ cấu để tăng hiệu quả kinh tế vườn dừa
Cây dừa Việt Nam - So sánh với cây dừa Đông Nam Á
Các sản phẩm dừa tại Việt Nam
Phát triển sản xuất dừa tại một số quốc gia Châu Á - Kinh nghiệm cho Việt Nam
 
THĂM DÒ Ý KIẾN
Theo bạn, chất lượng nội dung Website này như thế nào ?
Rất phong phú
Khá phong phú
Chưa phong phú
Ý kiến khác
Dành cho Quảng cáo
Cơ sở SX Thạch dừa Minh Tâm
DNTN Hưng Long
Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
Công Ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu Huy Thịnh Phát
Thương hiệu mạnh
Cơ sở Dừa Xanh Bến Tre
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre
Thạch dừa Minh Châu
Cty TNHH MTV Chế biến Dừa Lương Quới
Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long
Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre
Kẹo dừa Thanhh Long
DNTN Trương Phú Vinh
Công ty Lê An
Công ty Cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 28.180.614
Online: 40
Sản phẩm doanh nghiệp
 
Trang chủ | Dịch vụ | Liên hệ - Góp ý
Về đầu trang
 
thiet ke web thiet ke web hcm thiet ke web vung tau thiet ke web gia vang hoa dat hoa dat son nuoc son nuoc noi that binh sua tre em san xuat moc khoa may ao thun