Danh mục
VĂN BẢN MỚI
THƯƠNG HIỆU
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
TIN TỨC & SỰ KIỆN
DN & SẢN PHẨM
HỘI NHẬP
KHỞI NGHIỆP & QTKD
LIÊN KẾT/HỢP TÁC
TIN CỘNG ĐỒNG (ICC)
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
BẢN TIN GIÁ DỪA
HỘI CHỢ - TRIỂN LÃM
CƠ HỘI KINH DOANH
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIN CÔNG NGHỆ
KỸ THUẬT TRỒNG DỪA
DỪA VÀ SỨC KHỎE
VĂN HÓA DỪA
VIDEO CLIP
LỄ HỘI DỪA BẾN TRE
THỐNG KÊ NGÀNH DỪA
THƯ VIỆN ẢNH
HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI DỪA

“ Website này được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo Bến Tre (DBRP Bến Tre ) và sự góp sức của nhiều bạn bè. Hiệp hội Dừa Bến Tre rất mong thành viên của Hiệp hội và thân hữu xa gần tiếp tục giúp đỡ, góp ý và gởi tin - bài, để  Website ngày càng hoàn chỉnh và có ích”.

HIỆP HỘI DỪA BÊN TRE

Thông tin cần biết
 
Cây dừa trong sự phát triển du lịch bền vững ở Bến Tre
11-11-2014

Võ Văn Thành - ThS, Công ty Global Network Travel. TP.HCM

Cây dừa trong sự phát triển du lịch bền vững ở Bến Tre

Hội thảo KH Quốc tế Cây dừa Việt Nam giá trị và tiềm năng tại Bến Tre, ngày 30/8/2014
“Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay trong gió, có phải người còn đó là con gái của Bến Tre…”. Không biết tự bao giờ, lời bài hát “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng tôi. Về với Bến Tre là về với xứ dừa xanh ngút ngàn. Bến Tre, một tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng là cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa như nước dừa, cơm dừa, thạch dừa, than dừa, chổi dừa, xơ dừa, gỗ dừa v.v... Nhìn chung, cây dừa mang lại giá trị kinh tế đặc thù của cho cư dân trong tỉnh. Trong những năm gần đây, Bến Tre còn phát triển loại hình du lịch xanh trong việc tận dụng cây dừa như một môi trường hấp dẫn, một sản phẩm đặc thù để phát triển ngành du lịch địa phương đem lại lợi ích kinh tế cho cư dân tại chỗ. Thế nhưng, làm thế nào khai thác tối đa thế mạnh của cây dừa tại tỉnh Bến Tre trong hoạt động kinh doanh du lịch nhằm đem lại lợi ích tối ưu cho tỉnh nhà là một vấn đề đáng quan tâm và đáng bàn. Trong bài tham luận này, chúng tôi bàn về Cây dừa trong sự phát triển du lịch bền vững ở Bến Tre với hy vọng đóng góp một góc nhìn về kinh doanh du lịch ở tỉnh Bến Tre thông qua việc tận dụng cây dừa. Trước tiên, chúng ta phải nhận diện đầy đủ thế mạnh của cây dừa trong phát triển du lịch bền vững ở địa phương này.
Từ khóa: cây dừa, hoạt động du lịch, khách du lịch, phát triển du lịch bền vững, sản phẩm từ dừa, tài nguyên du lịch...
1. Đôi nét về cây dừa trong phát triển du lịch ở Bến Tre
Trước hết, chúng tôi muốn cung cấp cho người đọc một vài số liệu về cây dừa trên thế giới, ở Việt Nam nói chung và cây dừa ở tỉnh Bến Tre nói riêng để người đọc có cái nhìn sơ bộ về cây dừa.
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc gọi tắt là FAO (2011), thế giới có khoảng 11,86 triệu ha đất canh tác dừa. Cây dừa được phân bố nhiều nhất ở vùng Đông Nam Á (60,89%); Nam Á (19,74%); Châu Đại Dương (4,6%). Các quốc gia có diện tích canh tác dừa lớn là Indonesia, Philippines và Ấn Độ chiếm ¾ diện tích dừa thế giới. Việt Nam với khoảng 144.800ha cây dừa, đứng hàng thứ sáu trên thế giới sau các nước Indonesia (3.800.000ha), Philippines (3.560.000ha), Ấn Độ (1.900.000ha), Sri Lanka (359.000ha) và Thái Lan (247.000ha) và chiếm khoảng 1% diện tích dừa của thế giới (xem thêm Bảng thống kê diện tích, năng suất, sản lượng dừa các nước ở bên dưới).
Ở Việt Nam, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất, với khoảng 58.144 héc-ta1 (năm 2012), chiếm khoảng 40,3% diện tích trên cả nước. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng Bến Tre là xứ sở của cây dừa.
Bảng thống kê diện tích, năng suất, sản lượng dừa các nước

TT
Tên
quốc gia
Diện tích (ha)
Năng suất
(trái/ha/năm)
Sản lượng
(triệu trái/năm)
1
 Indonesia
3.800.000
4.000
16.235
2
Philippines
3.560.000
3.719
15.540 
3
Ấn độ
1.900.000
7.748
14.744
4
Sri Lanka
   395.000
7.364
 3.000
5
Thái Lan
   247.000
4.800
 1.186
6
Việt Nam
   144.800
8.294
 1.201

(Nguồn: Quyết định Số: 2300/QĐ - UBND, ban hành chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre
 đến năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, ký ngày 13/12/2013)
 
Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 40% diện cây dừa trong cả nước. Do đó, nét đặc trưng nhất của vùng đất Bến Tre là cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Có thể nói rằng, đã từ lâu, cây dừa đã gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần với cư dân trong tỉnh. Tỉnh Bến Tre cũng đã có nhiều hoạt động để quảng bá hình ảnh cây dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa trong cả nước và thế giới như là một lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp đặc thù, đặc biệt là các Festival Dừa vừa qua và chắc chắn chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre sẽ còn phải thực hiện nhiều hoạt động quảng bá nữa đối với cây dừa như: Chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020 (Ban hành kèm theo quyết định số 2300/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre), Lễ hội Dừa Bến Tre lần IV năm 2015 v.v…
Trong thời gian gần đây, cây dừa đã đi vào hoạt động du lịch và kinh doanh du lịch của tỉnh Bến Tre. Du khách về Bến Tre, họ lập tức nhận ra những sản phẩm đặc trưng nhất trong vùng được bày bán ở các điểm du lịch đó là sản phẩm sản xuất từ cây dừa như kẹo dừa, rượu dừa, cơm dừa, thạch dừa, dầu dừa, các mặt hàng lưu niệm được làm từ gỗ dừa như đũa gỗ dừa, bộ ấm uống trà gỗ dừa, gạt tàn thuốc gỗ dừa, lược gỗ dừa v.v… Không ít lần chúng tôi đưa khách nước ngoài đi tham quan tại các điểm du lịch gắn với cây dừa ở Bến Tre, họ điều thích thú khi đắm mình trong xứ dừa. Trước tiên họ tiếp cận xứ dừa Bến Tre bằng các phương tiện giao thông đường thủy nội địa đa dạng như các tàu du lịch đạt tiêu chuẩn an toàn vận chuyển khách trên các con sông lớn như sông Tiền, sông Hàm Luông v.v... Trên tàu du lịch, khách có thể ngắm nhìn hai bên bờ sông cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của xứ dừa như các điểm thu gom dừa khô chất ven sông cao như núi, các điểm sơ chế dừa, các điểm thu gom vỏ dừa để tách sợi dừa v.v... Đi sâu vào các kênh rạch nhỏ để tiếp cận nhà dân, du khách dùng các phương tiện lưu thông đường thủy nhỏ hơn như xuồng máy, xuồng chèo di chuyển dọc theo các kênh rạch chằng chịt phủ đầy cây dừa nước và những cây dừa vươn ra dọc theo các con kênh đem lại một thiên nhiên hấp dẫn đối với du khách. Dưới những tán lá dừa là nhà cửa của cư dân địa phương. Đến với xứ dừa Bến Tre, du khách có thể nghe người dân địa phương nói từ những kỹ thuật trồng dừa, chăm sóc dừa, thu hoạch dừa đến các điểm tham quan sản xuất kẹo dừa, thạch dừa, tham quan xưởng sản xuất đồ lưu niệm, mỹ nghệ từ gỗ dừa ..v.v… Đó là mỗi chuỗi những kinh nghiệm thú vị của du khách khi đến tham quan ở Bến Tre.
2. Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Bến Tre qua cây dừa
Thế giới trong những thập kỷ gần đây đã chứng kiến nhiều sự phát triển của nhân loại, về khoa học kỹ thuật, công nghiệp, kinh tế, xã hội v.v… trong đó có nhiều phát triển mang tính chất bong bóng, đặc biệt là phát triển kinh tế, nó tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng xấu đến xã hội loài người, môi trường sống, kinh tế thế giới. Chứng kiến những phát triển bong bong trên, nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới ở nhiều lĩnh vực đã đi tìm giải pháp để phát triển thật sự vững chắc, thật sự hiệu quả về nhiều mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Do đó, thuật ngữ phát triển bền vững (sustainable development) chính thức được thế giới sử dụng rộng rãi từ năm 19872.
Phát triển bền vững theo quan niệm của quốc tế
Trong cuộc hội thảo khoa học: Phát triển đồng bằng sông Cửu Long – Những vấn đề lý luận và thực tiễn diễn ra vào ngày 04/01/2014 với hơn 80 tham luận của các nhà khoa học đã cho thấy rằng phát triển bền vững trên ba lĩnh vực là kinh tế, xã hội và môi trường là chưa đủ mà phải bổ sung thêm các yếu tố như: bảo đảm ổn định chính trị -xã hội, an ninh quốc phòng; đồng thời nhấn mạnh nhân tố con người với tư cách là trung tâm, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển bền vững3.
Mỗi vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch với thế mạnh riêng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Thế mạnh của Bến Tre là cây dừa như chúng tôi đã phân tích ở trên thì việc tận dụng cây dừa trong phát triển ngành du lịch của địa phương là việc làm hết sức có ý nghĩa. Ở Bến Tre, chúng ta có thể đẩy mạnh khai thác các tour du lịch sinh thái gắn liền với môi trường dừa là một hướng phát triển bền vững ngành du lịch của tỉnh.
Chúng ta hiểu như thế nào về du lịch bền vững? Thuật ngữ Du lịch bền vững (sustainable tourism) có từ năm 1996 và được nhiều nước trên thế giới quan tâm và định hướng phát triển ngành du lịch của họ.Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành quốc tế (1996) thì: “Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn bảo đảm những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”. Theo đó, chủ trương du lịch và phát triển du lịch không tác động xấu đến môi trường nhân văn, môi trường sống của con người. Luật Du lịch Việt Nam 2005 cũng ghi nhận điều này.
Từ ý niệm trên, ta có thể hiểu: Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch có sự quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị của tài nguyên du lịch; đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác hại xấu đến môi trường, kinh tế, văn hóa -xã hội, nhằm phục vụ nhu cầu hiện tại của du khách và điểm du lịch mà không làm phương hại đến nhu cầu của tương lai.
Nói đến du lịch bền vững là chúng ta đụng tới những nguyên tắc nhất định trong phát triển của ngành du lịch. Chúng tôi cho rằng, để phát triển du lịch bền vững phải đảm bảo và thỏa mãn ba yếu tố sau:
- Mối quan hệ giữa bảo tồn tài nguyên tự nhiên, môi trường và lợi ích kinh tế, xã hội, văn hóa.
- Quá trình phát triển du lịch diễn ra trong một thời gian lâu dài.
- Đáp ứng được nhu cầu du lịch hiện tại, song không làm ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của các thế hệ tiếp theo.
- Gắn lợi ích của du khách, lợi ích của các đơn vị kinh doanh lữ hành với lợi ích của cộng đồng địa phương, nơi du khách đến tham quan.
Như vậy, du lịch bền vững cần: Sử dụng tài nguyên môi trường một cách tối ưu để những tài nguyên này hình thành một yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch, duy trì những quá trình sinh thái thiết yếu và hỗ trợ cho việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tôn trọng bản sắc văn hóa -xã hội của các cộng đồng ở các điểm đến, bảo tồn di sản văn hóa và những giá trị truyền thống trong cuộc sống của họ và tham gia vào quá hiểu biết và chấp thuận các nền văn hóa khác. Bảo đảm những hoạt động kinh tế sống động lâu dài, đem lại lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi thành viên bao gồm những công nhân viên chức có thu nhập cao hay những người có thu nhập thấp và góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo.
3. Một số chương trình tham quan du lịch đặc thù tại Bến Tre qua cây dừa
Tài nguyên du lịch Bến Tre khá đa dạng và phong phú từ tài nguyên tự nhiên như môi trường sinh thái, môi trường nước, khí hậu, thổ nhưỡng, sinh vật, cây trồng đa dạng và phong phú (trong đó điển hình là cây dừa) không những giúp ích cho môi trường sống của cư dân địa phương mà còn mang lại những giá trị đặc thù thu hút khách du lịch. Tài nguyên nhân văn của Bến Tre cũng không kém phần đa dạng phong phú như các di tích lịch sử, các công trình tôn giáo, các lễ hội (nghinh Ông, nông nghiệp, tôn giáo…), nghề và các nghề thủ công cổ truyền (nghề dệt chiếu cói, nghề làm gốm, nghề đóng gạch, nghề mộc, nghề đan mây tre lá, nghề trồng kiểng v.v…), văn hóa nghệ thuật như đờn ca tài tử, cải Lương, thơ ca dân gian, ẩm thực v.v…Nếu được quan tâm đầu tư và khai thác đúng hướng tài nguyên du lịch ở đây, tỉnh Bến Tre có thể có được những sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính khác biệt, độc đáo và đặc sắc so với sản phẩm du lịch thông thường nhằm thu hút du khách. Chúng tôi nghĩ rằng một số chương trình du lịch liên quan đến cây dừa có thể khai thác tốt ở Bến Tre và nếu kết hợp được với các tài nguyên du lịch khác thì sẽ đa dạng hóa được sản phẩm du lịch và thu hút được nhiều du khách hơn.
- Chương trình khám phá xứ dừa Bến Tre 1 ngày:
Du khách xuống tàu du lịch tại trung tâm thành phố Bến Tre. Tham quan điểm sơ chế dừa dọc theo sông Hàm Luông. Kế đến du khách được đưa tới một xưởng sản xuất kẹo dừa với quy mô gia đình để tham quan quá trình làm kẹo dừa. Du khách đi xuồng chèo đến một điểm thưởng thức trái cây tại vườn và nghe đội văn nghệ cây nhà lá vườn phục vụ những bài hát dân ca xứ miệt vườn. Quý khách dùng cơm trưa, đi bộ tham quan vườn dừa và đến một điểm bó chổi tàu dừa để trải nghiệm công việc của người nông dân. Tàu du lịch đến đón khách trả về bến tàu du lịch tại trung tâm thành phố Bến Tre. Kết thúc chương trình tham quan 1 ngày.
- Chương trình Homestay tại Bến Tre 2 ngày/1 đêm: 
Ngày 1: Tham quan điểm sơ chế dừa dọc theo sông Hàm Luông. Kế đến du khách được đưa tới một xưởng sản xuất kẹo dừa với quy mô gia đình để tham quan quá trình làm kẹo dừa. Du khách đi xuồng chèo đến một điểm thưởng thức trái cây tại vườn và nghe đội văn nghệ cây nhà lá vườn phục vụ những bài hát dân ca xứ miệt vườn. Quý khách dùng cơm trưa, đi bộ tham quan vườn dừa và đến một điểm bó chổi tàu dừa. Quý khách nhận phòng homestay lưu đêm. Nếu còn thời gian, quý khách theo chủ nhà mục kích cảnh thu hoạch dừa và du khách có thể trải nghiệm việc thu hoạch dừa bằng sào móc hoặc trèo lên cây dừa bằng nài vải. Du khách có thể vào bếp và cùng nấu ăn với sự hướng dẫn của chủ nhà. Ăn tối với chủ nhà, sau đó họ có thể nói chuyện và hỏi han chủ nhà về cuộc sống thường ngày của họ.
Ngày 2: Du khách dậy sớm, đi cùng với chủ nhà ra chợ mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết cho buổi sáng. Sau đó, ăn sáng, tạm biệt chủ nhà và rời Homestay. Du khách đi tham quan một trại giống ươm dừa, sau đó tham quan một xưởng sản xuất hàng lưu niệm làm gỗ từ dừa. Sau đó, du khách sẽ tham quan nhà trưng bài làm bằng dừa. Kết thúc chương trình tham quan. Du khách ăn trưa ở một nhà hàng địa phương và về lại bến tàu du lịch Bến Tre. Kết thúc chương trình tham quan xứ dừa 2 ngày 1 đêm.
Thử diễn giải một trong số những điểm tham quan của các chương trình trên:
Điểm tham quan sơ chế dừa: Du khách mục kích những người thợ chuyên bóc tách vỏ dừa khô bằng ba hoặc bốn nhát giáo nhọn chỉ trong vài giây. Một người thợ lột dừa quen tay, mỗi ngày anh ta có thể bóc tách khoảng 2.000 trái dừa khô4 một cách điệu nghệ và vỏ dừa còn nguyên vẹn để chủ vườn có thể bán được cho các cơ sở tách sợi xơ dừa bằng máy. Tất cả các đoàn khách du lịch nước ngoài mà chúng tôi đưa họ đến tham quan cơ sở lột dừa, họ đều thán phục tài nghệ của những người thợ vốn là những người nông dân địa phương đã quen việc. Du khách được mời trải nghiệm bóc tách vỏ dừa theo sự hướng dẫn của người thợ. Du khách bóc tách xong vỏ một trái dừa tốn khá nhiều thời gian nhưng họ cảm thấy rất thú vị và họ càng thán phục tài nghệ của người thợ bóc tách vỏ dừa. Xong công việc này, người thợ tách vỏ dừa ném trái dừa đã bóc vỏ sang cho người thợ chuyên bổ dừa. Người thợ bổ dừa bằng một hoặc hai nhát dao điệu nghệ là đã bổ đôi trái dừa ra. Kế tiếp là người thợ với một dụng cụ như lưỡi hái với động tác điệu nghệ nhanh, gọn đã tách cơm dừa dễ dàng ra khỏi gáo dừa. Kế đến là người thợ gọt vỏ lụa của cơm dừa. Công việc nhẹ nhàng này dành cho chị em phụ nữ. Với cái dao bào trong tay, họ gọt bỏ lớp vỏ lụa cơm dừa một cách điệu nghệ và nhanh thoăn thoắt khiến du khách phải trầm trồ khen ngợi.
Hai chương trình tham quan du lịch gợi ý trên thuần túy dựa trên tài nguyên dừa ở Bến Tre. Như vậy, ít nhất ngành du lịch tỉnh Bến Tre khéo tổ chức thì có thể giữ chân khách du lịch đến hai ngày. Tuy nhiên, ngoài cây dừa ra, tỉnh Bến Tre còn nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn khác như chúng tôi đã phân tích ở trên, nếu có sự kết hợp, tổ chức khéo và quảng bá tốt thì ngành du lịch Bến Tre sẽ có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến tiêu thụ.
4. Lời kết
Bất kỳ một ngành kinh tế nào cũng cần phải có nguồn tài nguyên của riêng nó để sản xuất ra sản phẩm. Nếu không có nguồn tài nguyên thích hợp thì đừng nói gì đến việc sản xuất, kinh doanh của ngành kinh tế đó. Ngành Du lịch cũng vậy, nó cũng có những tài nguyên đặc thù của riêng nó, làm nền tảng để phát triển sản xuất kinh doanh như trong Luật Du lịch Việt Nam 2005 nhấn mạnh: “Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử-văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.
Bến Tre có thế mạnh là cây dừa, ngoài việc khai thác cây dừa như một cây trồng nông nghiệp đặc thù với các sảm phẩm được chế biến ra từ dừa. Bến Tre đã tận dụng cây dừa trong khai thác du lịch và đây là một hướng tốt cần được chính quyền địa phương, các cơ quan phát triển du lịch và người dân sở tại phối hợp tổ chức, triển khai nhằm khai thác thế mạnh của cây dừa trong du lịch một cách hiệu quả nhất, đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Có thể nâng tầm sản phẩm du lịch Bến Tre lên một tầm cao là một sản phẩm đặc trưng để khi nhắc đến du lịch ở Bến Tre, du khách nghĩ ngay tới cây dừa và khi nghĩ tới cây dừa, du khách cần phải đến Bến Tre để được trải nghiệm một sản phẩm du lịch độc đáo nhất mà không ở địa phương nào có thể cung cấp tốt hơn. Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn phát biểu về sản phẩm du lịch đặc trưng: “Một sản phẩm du lịch đặc trưng phải là một sản phẩm mang tính khác biệt, độc đáo và đặc sắc so với sản phẩm du lịch thông thường nhằm thu hút du khách, mở rộng thị trường du lịch, khai thác tốt các tài nguyên du lịch, các tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch một cách bền vững. Tính khác biệt của sản phẩm du lịch đặc trưng được quy định bởi đặc điểm tự nhiên hoặc văn hóa bản địa của địa phương nơi sản phẩm du lịch được phát triển, còn tính độc đáo và đặc sắc chính là cách thức xây dựng và khả năng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ  du khách, phát triển du lịch ở địa phương” 5.
Một khi sản phẩm du lịch thu hút được du khách sẽ đến tiêu thụ sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận. Nguồn thu từ du khách, một phần sẽ tôn tạo lại các tài nguyên du lịch, đầu tư phát triển địa phương, các làng nghềcó bán được sản phẩm thì người dân mới gắn bó với nghề truyền thống của họ và sống còn với nó. Ở nhiều địa phương tại Việt Nam, ngành du lịch đã làm sống lại các làng nghề truyền thống, khơi dậy những nếp sống đẹp của người dân sở tại. Chúng tôi cho rằng, Bến Tre là một tỉnh giàu tài nguyên du lịch. Bến Tre có thể phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo liên quan đến cây dừa tại địa phương. Bến Tre hoàn toàn có thể xã hội hóa hoạt động du lịch bằng cách vận động sự tham gia của cộng đồng người địa phương, các ban ngành đoàn thể và để có thể phát triển du lịch ở nơi đây đồng bộ và toàn diện theo hướng bền vững thì việc chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm trong hoạt động du lịch phải được đưa lên hàng đầu. Quyền lợi của các cộng đồng dân cư tại chỗ phải được coi trọng, có như thế mới thu hút được sự hợp tác tự nguyện của người dân sởtại.
PHỤ LỤC HÌNH ẢNH
 
Một số hình ảnh của tác giả đưa du khách đi tham quan tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre (năm 2013) và Ấp 2, xã Phú Nhuận Tp. Bến Tre (năm 2014).
 

CHÚ THÍCH:
1. http://hiephoiduabentre.com.vn/index.php?Module=Content&Action=view&id=2089&Itemid=2
2. http://en.wikipedia.org/wiki/Brundtland_Commission (theo báo cáo của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới về tương lai của chúng ta năm 1987).
3. Võ Văn Sen & Nguyễn Thế Nghĩa (cb) 2014: Phát triển đồng bằng sông Cửu Long – Những vấn đề lý luận và thực tiễn: 4.
4. Ghi nhận của chúng tôi khi phỏng vấn những người thợ làm việc ở tại các điểm sơ chế dừa.
5. Trần Đức Anh Sơn 2014: Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển du lịch ở Tây Nguyên: Định hướng và giải pháp thực hiện, in trong Kỷ yếu hội thảo Phát triển Du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên:51- 52.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung -UBND tỉnh Ninh Thuận 2014: Kỷ yếu hội thảo Phát triển Du lịch vùng duyên hải miền Trung gắn kết với đại ngàn Tây Nguyên.
2. Bùi Thị Hải Yến 2011: Tài nguyên du lịch, Nxb. Giáo dục Việt Nam (tái bản lần thứ 2).
3. Luật Du lịch 2005   Văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb. Chính trị Quốc gia 2013.
4. Nguyễn Minh Tuệ (cb) 2012: Địa lý Du lịch Việt Nam, Nxb. Giáo D ục Việt Nam (tái bản lần thứ 2).
5. Quyết định Số: 2300 QĐ-UBND, ban hành chương trình phát triển ngành dừa tỉnh Bến Tre đến năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, ký ngày 13/12/2013.
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội 2011.
7. Võ Văn Sen & Nguyễn Thế Nghĩa (cb) 2014: Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. HCM.
8. http://en.wikipedia.org/wiki/Brundtland_Commission.
9. http://hiephoiduabentre.com.vn/index.php?Module=Content&Action=view&id=2089&Itemid=2.

Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.
 

Các tin khác:
Cây Dừa - Góc nhìn từ ngành du lịch
Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo cơ cấu để tăng hiệu quả kinh tế vườn dừa
Cây dừa Việt Nam - So sánh với cây dừa Đông Nam Á
Các sản phẩm dừa tại Việt Nam
Phát triển sản xuất dừa tại một số quốc gia Châu Á - Kinh nghiệm cho Việt Nam
Cây dừa Việt Nam qua khói lửa chiến tranh
Dấu ấn dừa trong đời sống của người dân Bến Tre
Dấu ấn cây dừa trong văn hóa vùng sông nước Tây Nam Bộ
Nhạc cụ Dừa - Tài nguyên văn hóa của Việt Nam
Dừa trong văn học dân gian Bến Tre
 
THĂM DÒ Ý KIẾN
Theo bạn, chất lượng nội dung Website này như thế nào ?
Rất phong phú
Khá phong phú
Chưa phong phú
Ý kiến khác
Dành cho Quảng cáo
Cơ sở SX Thạch dừa Minh Tâm
DNTN Hưng Long
Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
Công Ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu Huy Thịnh Phát
Thương hiệu mạnh
Cơ sở Dừa Xanh Bến Tre
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre
Thạch dừa Minh Châu
Cty TNHH MTV Chế biến Dừa Lương Quới
Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long
Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre
Kẹo dừa Thanhh Long
DNTN Trương Phú Vinh
Công ty Lê An
Công ty Cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 28.559.573
Online: 42
Sản phẩm doanh nghiệp
 
Trang chủ | Dịch vụ | Liên hệ - Góp ý
Về đầu trang
 
thiet ke web thiet ke web hcm thiet ke web vung tau thiet ke web gia vang hoa dat hoa dat son nuoc son nuoc noi that binh sua tre em san xuat moc khoa may ao thun