Danh mục
VĂN BẢN MỚI
THƯƠNG HIỆU
ĐƯỜNG DÂY NÓNG
TIN TỨC & SỰ KIỆN
DN & SẢN PHẨM
HỘI NHẬP
KHỞI NGHIỆP & QTKD
LIÊN KẾT/HỢP TÁC
TIN CỘNG ĐỒNG (ICC)
XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
BẢN TIN GIÁ DỪA
HỘI CHỢ - TRIỂN LÃM
CƠ HỘI KINH DOANH
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TIN CÔNG NGHỆ
KỸ THUẬT TRỒNG DỪA
DỪA VÀ SỨC KHỎE
VĂN HÓA DỪA
VIDEO CLIP
LỄ HỘI DỪA BẾN TRE
THỐNG KÊ NGÀNH DỪA
THƯ VIỆN ẢNH
HOẠT ĐỘNG HIỆP HỘI DỪA

“ Website này được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo Bến Tre (DBRP Bến Tre ) và sự góp sức của nhiều bạn bè. Hiệp hội Dừa Bến Tre rất mong thành viên của Hiệp hội và thân hữu xa gần tiếp tục giúp đỡ, góp ý và gởi tin - bài, để  Website ngày càng hoàn chỉnh và có ích”.

HIỆP HỘI DỪA BÊN TRE

Thông tin cần biết
 
Phát triển du lịch làng nghề ở Bến Tre
11-11-2014

Nguyễn Như Bình, CN, Trường Đại học Văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh

Phát triển du lịch làng nghề ở Bến Tre

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc
 
PHÁT TRIỂN DU LỊCH LÀNG NGHỀ Ở BẾN TRE
(TRƯỜNG HỢP LÀNG NGHỀ SỬ DỤNG NGUYÊN LIỆU TỪ DỪA)
 
Du lịch làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống đang trở thành xu hướng mới của thế giới. Trước xu hướng này, Việt Nam cũng áp dụng loại hình du lịch làng nghề đến các tỉnh có thế mạnh với các làng nghề truyền thống. Du lịch làng nghề phát triển sẽ giúp các làng nghề khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa dân gian, tạo dựng môi trường du lịch văn hóa đồng thời giúp cải thiện tốt hơn các cơ sở hạ tầng đi kèm với việc bảo vệ môi trường tại làng nghề. Nhận thức được tiềm năng to lớn này, các làng nghề truyền thống ở Việt Nam nói chung và ở Bến Tre nói riêng bước đầu có ý thức khai thác sự hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm truyền thống mà mình tạo ra nhằm thu hút khách du lịch. Thế nhưng thực tế cho thấy rằng chỉ có một số làng nghề truyền thống bước đầu khai thác được tiềm năng du lịch của làng nghề, còn nhìn chung thì hoạt động du lịch làng nghề vẫn chưa thu được kết quả nhất định, chưa có chiến lược tiếp thị, quảng bá về chiều sâu mà chỉ có tính tự phát nên chưa khai thác thành công tiềm năng đó.
Trước thực trạng đó, bài viết này chủ yếu thử nhìn nhận và đánh giá thực trạng việc phát triển du lịch làng nghề ở Bến Tre (sử dụng nguyên liệu từ cây dừa) hiện nay để rồi từ đó có một vài hướng giải quyết như một ý kiến đóng góp.
Từ khóa: Làng nghề, du lịch, du lịch làng nghề, Bến Tre, cây dừa.
1. Vài nét về làng nghề và du lịch làng nghề 
1.1. Khái niệm làng nghề
Khái niệm Làng nghề thường xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng từ địa phương cho đến Trung ương, thế nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau và chưa có một định nghĩa thống nhất mà chỉ được chấp nhận như một phạm trù trong văn hoá.
Các nhà nghiên cứu đã cố gắng cắt nghĩa về khái niệm Làng nghề theo nhiều góc độ, khía cạnh. Những khái niệm này tuy có khác nhau ở khía cạnh này, góc độ khác song vẫn có những đặc điểm giống nhau về cơ bản, đặc biệt là xét từ góc độ văn hoá, chúng ta có thể tìm hiểu một số khái niệm sau:
Theo tác giả Lê Thị Minh Lý thì: “Làng nghề là một thực thể vật chất và tinh thần được tồn tại cố định về mặt địa lý, ổn định về nghề nghiệp hay một nhóm các nghề có mối liên hệ mật thiết với nhau để làm ra một sản phẩm, có bề dày lịch sử và được tồn tại lưu truyền trong dân gian.”1
Trần Minh Yến khẳng định: “Làng nghề là một thiết chế kinh tế – xã hội ở nông thôn, được cấu thành bởi hai yếu tố là làng và nghề, tồn tại trong một không gian địa lý nhất định trong đó bao gồm nhiều hộ gia đình sinh sống bằng nghề thủ công là chính, giữa họ có mối liên kết về kinh tế, xã hội và văn hóa.”2
Còn Bùi Văn Vượng lại cho rằng: “Làng nghề truyền thống là làng nghề cổ truyền làm nghề thủ công. Ở đấy không nhất thiết tất cả các dân làng đều sản xuất hàng thủ công. Người thợ thủ công nhiều trường hợp cũng đồng thời làm nghề nông. Nhưng yêu cầu chuyên môn hóa cao đã tạo ra những người thợ chuyên sản xuất hàng truyền thống ngay tại quê mình.”3
Năm 2006, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư số 116/2006/TT- BNN ngày 18/12/2006 quy định nội dung và các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Theo đó:
- Nghề truyền thống là nghề được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính chất riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một hoặc thất truyền.
- Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự trên địa bàn một xã, thị trấn, có các hoạt động ngành nghề nông thôn, sản xuất ra một hoặc nhiều loại sản phẩm khác nhau.
- Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời. Làng nghề truyền thống phải có đủ các tiêu chí của làng nghề, đồng thời phải có ít nhất một nghề truyền thống.
Sự hình thành làng nghề thường gắn với việc các thợ thủ công tập hợp nhau theo các yếu tố kinh tế như các vùng tập trung đông dân cư có nhu cầu về hàng thủ công hoặc để phục vụ cho vua quan chốn kinh kỳ. Làng nghề được hình thành và phát triển ở những nơi thuận tiện về giao thông và gần nguồn nguyên liệu.
1.2. Ý nghĩa và giá trị của làng nghề trong bối cảnh hiện nay
Một điều dễ dàng nhận thấy khi bàn về ý nghĩa và tác dụng của làng nghề trong bối cảnh hiện nay đó là tạo việc làm cho một bộ phận không nhỏ cho lao động, nhất là lao động nông thôn. Theo một thống kê chưa đầy đủ, các làng nghề trong cả nước hiện đang giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 11 triệu lao động tại các hộ gia đình, hợp tác xã, các công ty và doanh nghiệp tư nhân… Ngoài ra, làng nghề còn kéo theo sự phát triển của các dịch vụ khác qua đó tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập.
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới và tăng kim ngạch xuất khẩu tăng nguồn thu nhập cho đất nước. Hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện có mặt hơn 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Giá trị xuất khẩu tăng lên hàng năm: Năm 2000 đạt 273.7 triệu USD, năm 2007 đạt 750 triệu USD, năm 2008 đạt 800 triệu USD…
Phát huy các giá trị văn hóa địa phương. Mỗi làng nghề đều có một lịch sử hình thành, phát triển và mặt hàng sản phẩm vật thể và phi vật thể riêng của mình do đó những tinh hoa văn hóa của vùng, miền, dân tộc luôn luôn hiện diện trên từng sản phẩm, đây là yếu tố thu hút khách hàng trong và ngoài nước. Các nghệ nhân làng nghề được tôn vinh là Báu vật nhân văn sống là người nắm giữ những giá trị văn hóa của sản phẩm và cũng là người giữ vai trò quyết định trong việc truyền dạy nghề cho những thế hệ sau này. Các làng nghề cũng có những lễ hội, cúng giỗ Tổ nghề thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của cha ông. Đây là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc của làng nghề.
Phát triển du lịch, phát triển xã hội. Ngày nay, nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, nhiều tổ chức, làng nghề, đơn vị, công ty đã chú trọng khai thác du lịch làng nghề với nhiều hình thức khác nhau. Và trên thực tế, đã có nhiều chương trình du lịch làng nghề thu được nhiều thành công, tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động, góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
1.3. Du lịch làng nghề
Du lịch làng nghề truyền thống là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp của du khách diễn ra tại các làng nghề còn đang hoạt động sản xuất các sản phẩm truyền thống nhằm mục tiêu tìm hiểu, chiêm ngưỡng, thưởng thức các giá trị văn hoá về làng nghề và quá trình sản xuất sản phẩm truyền thống.
Theo một cách hiểu khác thì Du lịch làng nghề là một hoạt động kinh doanh tại các làng nghề có lợi ích về nhiều mặt: Nâng cao hiểu biết của khách du lịch về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề góp phần tăng thêm tình yêu quê hương đất nước; mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội.
Khi tham gia tour du lịch làng nghề, du khách sẽ được dịp khám phá, tìm hiểu quy trình kỹ thuật của nghề truyền thống, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục, tập quán và các nghi thức Phường, hội riêng của các làng nghề truyền thống…
Trong lịch sử hoạt động du lịch ở Việt Nam, những nghề và làng nghề thủ công truyền thống… đã và đang được triển khai đưa vào hoạt động du lịch, trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Phần lớn các điểm du lịch này là di sản của đất nước tiêu biểu cho nền văn hóa của dân tộc.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức JICA (Nhật Bản) ngày 17/03/2003, hiện nay Việt Nam có 2.017 làng nghề trong đó miền Bắc có 1594 làng nghề (79%), miền Trung có 312 làng nghề (15,5%) và miền Nam có 111 làng nghề (5,5%), nhưng theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề thì cả nước có 2.790 làng nghề, nhiều làng nghề có bề dày lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm, là một nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá, phong phú và rất thích hợp để Việt Nam khai thác, phát triển du lịch.
2. Thực trạng du lịch làng nghề ở Bến Tre
2.1. Vài nét về tỉnh Bến Tre
Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, tiếp giáp biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt có tổng chiều dài xấp xỉ 6.000 km. Điểm cực Nam của tỉnh nằm trên vĩ độ 9o48‘ Bắc, cực Bắc nằm trên vĩ độ 10o 20‘ Bắc, cực Đông nằm trên kinh độ 106 o 48‘ Đông và điểm cực Tây nằm trên kinh độ 105o57‘Đông. Trung tâm của tỉnh cách thành phố Hồ Chí Minh 87 km về phía Tây (qua Tiền Giang và Long An). Các sông lớn như sông Tiền, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên mang phù sa bồi tụ qua nhiều thế kỷ và đã chia địa hình Bến Tre thành ba dải cù lao lớn là cù lao An Hoá, cù lao Bảo và cù lao Minh. Nhìn trên bản đồ, tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt mà đầu nhọn nằm ở thượng nguồn, các nhánh sông lớn giống như nan quạt xoè rộng ra ở phía Đông. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 2.315 km2, khí hậu nhiệt đới, dân số khoảng 1,4 triệu người. Địa hình bằng phẳng, rải rác có những cồn cát xen kẽ với ruộng vườn, không có rừng cây lớn, bốn bề sông nước bao quanh.
Bến Tre là một trong những tỉnh có tiềm năng kinh tế phong phú, đa dạng, có lực lượng lao động trẻ, cần cù, sáng tạo. Với hệ thống sông rạch khoảng 500 km, Bến Tre giàu thuỷ sản với các loại cá thiểu, cá mối, cá cơm... Là vùng đất phù sa trù phú, Bến Tre trở thành vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long và là nơi có nguồn sản vật phong phú. Những vườn hoa kiểng, cây trái nổi tiếng ở vùng Cái Mơn – Chợ Lách, Bình Đại – Giồng Trôm... hàng năm đã cung ứng cho thị trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh nổi tiếng khắp nơi.
Đặc biệt Bến Tre là xứ sở của dừa (gần 60.000 ha trồng dừa). Dừa Bến Tre chiếm diện tích nhiều nhất trong cả nước, có nhiều loại dừa: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa xiêm, dừa cỏ, dừa sáp, dừa bị. Bến Tre còn nổi tiếng với đặc sản kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Qua bàn tay khéo của người thợ thủ công, hàng trăm sản phẩm độc đáo làm từ những sọ dừa, cọng lá và bông dừa đã Bước ra thế giới đem về nguồn ngoại tệ lớn cho tỉnh.
2.2. Du lịch làng nghề ở Bến Tre thế mạnh và những hạn chế
2.2.1. Một số nghề và làng nghề phục vụ du lịch ở Bến Tre
Việc phát triển làng nghề hiện nay không chỉ thể hiện ở lợi nhuận kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được truyền từ đời này sang đời khác. Là nơi tập trung sản xuất các sản phẩm có bản sắc riêng. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương trên mọi miền tổ quốc và ra thế giới. Đặc biệt, phát triển làng nghề cũng là một trong những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng. Đất Bến Tre hình thành trên ba dãy đất cù lao lớn (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa), được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan sông nước hữu tình, về cây xanh trái ngọt trong cả bốn mùa, về không khí trong lành, êm ả, về những món đặc sản của sông, của biển, của miệt vườn… Đặc biệt, vùng đất này rất phù hợp với phát triển cây dừa, vì thế mà xứ sở này có rừng dừa xanh bạt ngàn, bát ngát, mênh mông. Với đặc điểm trên, làng nghề ở đây cũng phát triển đa dạng và phong phú như: Sản xuất chỉ xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và các làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Hoạt động làng nghề ở đây tuy không nhiều như những địa phương khác, song nó phù hợp với sự khéo léo của người dân sở tại, đến đây du khách sẽ được khám phá các làng nghề. Theo một thống kê chưa đầy đủ hiện toàn tỉnh Bến Tre có 45 làng nghề được công nhận, gồm có 27 làng nghề nông nghiệp và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 19 làng nghề truyền thống; 07 nhóm nghề của 63 ngành nghề nông thôn với 30.552 cơ sở. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược một vài nghề và làng nghề nổi tiếng ở Bến Tre sử dụng nguyên liệu chính từ cây dừa có thể phục vụ phát triển du lịch.
* Làng nghề sản xuất kẹo dừa Bến Tre
Ca dao lưu truyền “Bến Tre nước ngọt sông dài; Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh; Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo; Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan”, sống dưới rừng dừa từ bao đời nay, người Bến Tre đã biết dùng nguyên liệu dân dã tại đây để làm ra kẹo dừa, món ngon kẹo dừa, lúc đầu được dùng làm quà tặng cho bà con láng giềng trong những ngày giỗ tết như là một món quà thắm tình làng nghĩa xóm, sau nổi tiếng nhờ vị ngọt thanh thanh, đậm đà và mùi thơm béo ngậy.
Kẹo dừa Bến Tre có nguồn gốc từ huyện Mỏ Cày, theo các tư liệu từ trước đây thì người đầu tiên làm ra kẹo là bà Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1914, là người ở thị trấn Mỏ Cày. Đến năm 1999, kẹo Mỏ Cày chính thức mang thương hiệu “Kẹo dừa Bến Tre” và được xuất đi nhiều nước trên thế giới. Người dân Bến Tre đã sáng tạo ra nhiều loại kẹo dừa với những hương vị khác khau làm say lòng du khách gần xa, nào là kẹo dừa cacao, kẹo dừa sầu riêng, kẹo dừa nhân đậu phộng... Mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng vẫn đảm bảo hương vị dừa căn bản. Nhiều cơ sở chế biến kẹo dừa với những thương hiệu quen thuộc như Thiên Long, Ngọc Hương đã mang kẹo dừa đến các tỉnh thành trong nước và xuất khẩu sang nước ngoài. Có thể nói, kẹo dừa đã gắn bó với hành trình văn hóa, ẩm thực và du lịch của đất nước Việt Nam. Hầu hết các cở sản xuất tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Bến Tre, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Mỏ Cày Nam và huyện Châu Thành giải quyết việc làm cho hơn một vạn lao động.
* Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong – Giồng Trôm
Hưng Phong (còn gọi là Cồn Ốc), nằm cách biệt với đất liền, trên một cồn tự nổi. Hiện nay, để đến làng nghề này, du khách có thể đi bằng đường thủy lẫn đường bộ. Nếu đi đường thủy thì từ bến sông Bến Tre du khách sẽ xuôi theo dòng Hàm Luông mất khoảng hơn 45 phút; đường bộ thì từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Bến Tre 2 đi thẳng theo đường tỉnh 887, tới ngã 3 Phước Long đường ra Bến phà Hưng Phong, rẽ phải đi thẳng khoảng 6km qua phà sẽ đến xã Hưng Phong. Nghề đan giỏ cọng dừa ở đây được hình thành dù chỉ mới hơn 16 năm, nhưng có bước phát triển khá mạnh phần lớn là sản xuất theo hộ gia đình. Nhờ mẫu mã đa dạng nên ngày càng được thị trường ưa chuộng, đặc biệt vào dịp cuối năm do nhu cầu làm giỏ quà tặng, nên sản phẩm được tiêu thụ rất nhiều.
* Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh (Mỏ Cày Nam) và Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày Bắc)
Từ thành phố Bến Tre du khách đi qua cầu Hàm Luông theo quốc lộ 60 đến thị trấn Mỏ Cày Nam, đi khoảng 3km du khách rẽ phải sẽ đến làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam). Làng nghề chỉ xơ dừa Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) cũng cách đó khoảng10km, đây là làng nghề mới phát triển sau này và có vệ tinh nằm rải rác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vùng có trồng nhiều dừa, nhưng chủ yếu vẫn là ở xã An Thạnh và xã Khánh Thạnh Tân. Cấu tạo tự nhiên địa giới hành chính 02 địa phương này nằm bên dòng sông Thơm, là điều kiện vô cùng thuận lợi để vận chuyển sản phẩm bằng đường thủy. Người dân Bến Tre vốn từ lâu đã biết vận dụng, sáng tạo từ cây dừa vốn từ lâu đã quen thuộc với người dân Bến Tre. Dừa được biến hóa ra nhiều sản phẩm rất phong phú và đa dạng. Nhưng đặc biệt, tại hai làng nghề này là sản xuất ra những sản phẩm từ xơ dừa se lại thành chỉ… Chỉ xơ dừa có nhiều loại khác nhau như chỉ nệm, chỉ xơ cứng, chỉ xơ xoắn, chỉ nệm tráng cao su, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trải sàn,… Hiện nay các sản phẩm này được xuất thường xuyên sang các nước Hàn Quốc, Ấn Độ…
* Làng nghề bó chổi Mỹ An (Thạnh Phú)
Nghề bó chổi nằm rải rác ở các ấp và tập trung nhiều nhất ở ấp An Hòa, đây là điểm xuất phát đầu tiên của làng nghề. Lúc đầu, chỉ có một vài hộ làm với hình thức nhỏ lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn lâu dài đã được bán ra thị trường ngoài tỉnh. Nghề này có thể nói là phổ biến lâu nay ở vùng nông thôn, đặc biệt là ở xứ có nhiều dừa như Bến Tre. Người ta đã biết vận dụng từ cọng của lá dừa, lá cau, hay cọng của lá dừa nước để làm nên những sản phẩm đa dạng với nhiều chủng loại khác nhau. Ở đây, nhà nào cũng đầy chổi, chổi bó rồi, chổi đang bó, tiếng quay dây cước vào trục nghe rè rè, tiếng kêu ken két đầy ấn tượng, rồi đến tiếng xe máy chở nguyên vật liệu ra vào, khiến làng chổi càng thêm nhộn nhịp. Người dân nơi đây cho biết, nghề này nhẹ nhàng, làm chơi mà ăn thiệt. Mỗi sản phẩm làm ra là một kỷ niệm thấm đẫm tình người, với biết bao niềm hy vọng tươi sáng của người dân hiền lành, chất phát ở một vùng quê sông nước xứ dừa luôn tin tưởng nghề này không bị mất đi và sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ.
* Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long (Giồng Trôm)
Từ thành phố Bến Tre du khách qua cầu Bến Tre 2, rẽ phải theo tỉnh lộ 887 đi khoảng 12km là đến làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Ra đời trong những năm gần đây, do biết vận dụng sáng tạo và sử dụng hợp lý giá trị mà cây dừa đem lại, nên làng nghề đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm phong phú như: sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, đan giỏ cọng dừa, sản xuất chỉ xơ dừa… Du khách đến nơi đây sẽ được tận mắt chứng kiến các công đoạn làm ra một sản phẩm “giỏ cọng dừa” mà người thợ chỉ cần học đan 3 ngày và thực hiện 8 công đoạn như: ra nan, cột khung, đan, bính, quấn quay, nứt, hoàn thành phần đáy giỏ và cuối cùng là vô cây trữ vào kho chứa. Nghề đan giỏ cọng dừa ở Bến Tre đã xuất hiện trên 20 năm, ban đầu chỉ làm để phục vụ trong công việc hằng ngày nhưng dần dần đã phát triển thành làng nghề với quy mô lớn có giá trị xuất khẩu cao.
* Làng nghề truyền thống sản xuất bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm), bánh phồng Phú Ngãi (Ba Tri)
Bánh tráng Mỹ Lồng (có lịch sử hơn 100 năm) và bánh phồng Sơn Đốc, Phú Ngãi là những thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vang danh trên thế giới. Sách “Địa chí Bến Tre” giới thiệu như sau: Nếu như bánh tráng Mỹ Lồng có đặc điểm là khéo léo, độ mỏng mềm, chất bột dẻo, khi cuốn không bị rách, còn bánh phồng Sơn Đốc khi nướng phồng to gấp nhiều lần, cho vào mồm thì tan nhanh, để lại một dư vị vừa thơm, vừa béo ngọt nơi đầu lưỡi. Nghề làm bánh được lưu truyền từ ba bốn đời trở lên tập trung chủ yếu ở xã Phú Ngãi (Ba Tri); ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh và xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm). Nguyên liệu chính để làm bánh được làm từ gạo tẻ, gạo nếp hoặc củ khoai mì… và nước cốt dừa, mùa cao điểm sản xuất hàng hóa thường tập trung vào những dịp cuối năm. Năm 2001, HTX bánh phồng Sơn Đốc được thành lập để xây dựng thương hiệu cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, còn một số làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ khác tập trung chủ yếu ở các huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Một số sản phẩm nổi bật như giỏ, rổ làm từ cọng lá dừa; lồng đèn làm từ chà dừa; thảm, lưới, giỏ và chậu hoa làm từ xơ dừa; vỏ bình trà, hộp đựng mứt, bình hoa, giỏ xách, kẹp tóc, móc khóa, vòng tay… làm từ gáo dừa. Một số sản phẩm được sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận như: Chiếc bình trà được làm từ gáo dừa cao lớn nhất của DNTN Thanh Liêm (Mỏ Cày Nam), bộ khay lễ làm từ gỗ dừa lớn nhất Việt Nam của DNTN Thanh Nhàn (Giồng Trôm), tấm thảm bằng xơ dừa lớn nhất Việt Nam của DNTN Thanh Bình (Châu Thành), con đồi mồi bằng gáo dừa lớn nhất của cơ sở Trường Ngân (thành phố Bến Tre)… Những sản phẩm này không chỉ được ưa chuộng trên thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước trong khu vực và thế giới như Đài Loan, Trung Quốc, Campuchia, Canada, Mỹ, Pháp, Úc… Các thị trường này thiêu thụ hơn 70% sản lượng hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa của toàn tỉnh Bến Tre.
Trên đây là một số nghề và làng nghề ở Bến Tre có thể phục vụ phát triển du lịch, mặc dù chưa phải đầy đủ nhất nhưng cũng cho chúng ta thấy tiềm năng du lịch làng nghề tại Bến Tre thật rất phong phú và đa dạng, có thể tổ chức các chuyến du lịch làng nghề quanh năm suốt tháng.
2.2.2. Tiềm năng và một số đặc trưng của các nghề và làng nghề được khai thác để phục vụ du lịch ở Bến Tre
Du lịch làng nghề có thể là một loại hình du lịch văn hóa chất lượng cao, là loại hình khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ truyền thống như một tài nguyên du lịch phục vụ cho việc tìm hiểu văn hóa, tham quan, vui chơi, giải trí. Đi dọc chiều dài đất nước hình chữ S, du khách gần như có thể dừng chân ở bất cứ địa phương nào để tìm hiểu về làng nghề truyền thống. Đến với vùng đất ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, chúng ta có thể thấy một nguồn tài nguyên du lịch làng nghề phong phú và đa dạng.
Như đã nói ở trên, Bến Tre có một tiềm năng du lịch làng nghề rất lớn bởi có một hệ thống các nghề, làng nghề với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất nước, của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử mang đậm nét văn hóa của dân tộc, của địa phương như làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có thâm niên hơn 100 năm. Hệ thống các nghề và làng nghề truyền thống này phần lớn thường nằm gần vùng nguyên liệu, nằm trên trục đường giao thông, cả đường sông lẫn đường bộ, không chỉ tạo điều kiện lưu thông hàng hóa mà còn thuận tiện cho việc xây dựng tuor du lịch, tuyến du lịch.
Khi tham gia tuyến, tour du lịch làng nghề, du khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm, có thể ký tên vào sản phẩm mà mình trực tiếp thực hiện như là một cách ghi lại kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình du lịch của mình. Đồng thời, còn được chính tay mình lựa chọn những món hàng được sản xuất tại lò, tại cơ sở sản xuất… Bên cạnh đó, khi đến tham quan du khách còn được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, tìm hiểu quá trình học tập, sáng tạo cũng những đóng góp của họ cho sự phát triển làng nghề.
Làng nghề, ngoài yếu tố sản xuất còn mang rất đậm yếu tố văn hoá và phần nào còn có những yếu tố tâm linh phù hợp. Bởi làng nghề ngoài phạm vi đơn vị sản xuất và khái niệm đơn vị hành chính còn có đặc trưng riêng biệt là tính cộng đồng cư trú, cộng đồng lợi ích và cộng cảm rất cao, do đó khi tham gia tuyến du lịch làng nghề còn được tham gia sinh hoạt văn hoá tinh thần của làng nghề như tục thờ cúng Tổ nghề (nhiều vị Tổ nghề còn được tôn vinh là Thành hoàng làng) và gắn liền với lễ hội cùng với các hoạt động văn hoá dân gian khác. Hàng năm, bằng những hoạt động tín ngưỡng tôn nghiêm, sôi nổi, hào hứng này cùng với các lễ hội đã làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch làng nghề. Chính những điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống.
Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý, nét văn hoá đặc sắc, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hoá hay một hệ thống di tích, một hệ thống đền chùa, miếu độc đáo, có những nét tiêu biểu của kiến trúc, điêu khắc truyền thống…chẳng hạn như khi thăm làng bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc chúng ta còn có thể viếng đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, đến khu di tích lịch sử và khu mộ Nguyễn Đình Chiểu, thăm khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản…
Một điều quan trọng hơn đó là nắm bắt được nhu cầu thị trường, một số đơn vị cơ sở nghề truyền thống đã bắt đầu chú ý đến việc thu hút khách du lịch đến xem, mua sản phẩm bằng những ý tưởng độc đáo, mới lạ kết hợp giữa cơ sở làm nghề và trưng bày sản phẩm, từ việc thiết kế sản phẩm có sự phân biệt giữa hàng xuất khẩu và hàng lưu niệm tại chỗ cho khách tham quan…
Ngoài những tiềm năng kể trên, các làng nghề truyền thống và du lịch làng nghề còn được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành chính quyền địa phương và trung ương, các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận… trong việc xây dựng, khôi phục làng nghề cũng như phát triển các tuyến, tour du lịch.
2.2.3. Những hạn chế và yếu kém của du lịch làng nghề ở Bến Tre
Hiện chúng ta thiếu kế hoạch đồng bộ, dài hơi về làng nghề. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể liên quan trong xây dựng, quy hoạch làng nghề còn rời rạc, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc. Một số địa phương có quy hoạch làng nghề với du lịch nhưng quy hoạch thiếu thực tiễn và không được thực hiện nghiêm chỉnh. Việc quản lý làng nghề còn chồng chéo, không thống nhất dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể.
Các tour du lịch làng nghề hiện nay nếu có sự quy hoạch đi chăng nữa thì lại chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức, mới chỉ dừng lại ở tham quan và tới xem làng. Việc khai thác du lịch làng nghề mới chỉ dừng lại ở khía cạnh là nơi sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng được biết đến trên thị trường mà chưa được khai thác ở khía cạnh không gian văn hóa. Khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề như một tour thực sự. Lý do là vì những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng của nó, chức năng sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch vẫn còn chưa được khai thác một cách thực sự hiệu quả. Mặc dù ở một số làng nghề trên thực tế đã thu hút một lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, manh mún chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp và chưa xứng tầm với tiềm năng. 
Các cửa hàng bày bán đồ thủ công mỹ nghệ trong làng nghề không có sự phân biệt rạch ròi giữa hàng bán cho du khách và hàng bán ra thị trường tiêu dùng. Hầu hết các làng nghề lại quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mỹ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn. Ngay cả các làng nghề được coi là biết làm du lịch, mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy cảm với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài mà chỉ xuất hàng thông qua những doanh nghiệp. Các làng nghề, các doanh nghiệp không có điều kiện làm “design”. Đội ngũ thợ chỉ giỏi tay nghề kỹ thuật mà thẩm mỹ yếu và bị bó khuôn.
Sự biến động về thị trường, khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa, nguồn vốn sản xuất nhỏ bé, eo hẹp… khiến nhiều làng nghề không chỉ ở Bến Tre nói riêng mà còn trên cả nước nói chung đang ngày càng mai một và hoạt động cầm chừng, không tạo được môi trường du lịch có sức hút.
Một điểm hạn chế nữa đáng quan tâm đó là khó khăn về cơ sở hạ tầng nghèo nàn, chưa đạt chất lượng, giao thông yếu kém gây khó khăn trong việc đi lại, hệ thống nhà hàng, khách sạn, nơi lưu trú, các dịch vụ vui chơi, giải trí ở một số làng nghề còn đơn điệu, chưa phát triển. Phong cách phục vụ du lịch của người dân làng nghề không chu đáo, thiếu sự chuyên nghiệp. Phát triển du lịch tại các làng nghề là một hình thức mới mẻ đối với ngươi dân, hơn nữa thời gian qua, các cấp, các ngành cũng chưa quan tâm đến việc đào tạo, hướng dẫn các kỹ năng làm du lịch cho người dân. Từ đó xuất hiện các tệ nạn “chặt chém” trong khi chất lượng phục vụ thấp, chèo kéo khách du lịch tới cửa hàng… gây ức chế cho du khách khi đến tham quan làng nghề. Ngoài ra, đội ngũ thuyết trình viên tại các làng nghề vừa thiếu lại yếu. Đó là chưa kể việc chèo kéo khách, ô nhiễm môi trường tại làng nghề khiến khó hấp dẫn du khách.
3. Thay lời kết
Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hình thức du lịch làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống đang dần trở thành một xu hướng chung của thế giới và Việt Nam bên cạnh du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng... Hoạt động du lịch này không chỉ đem lại những lợi ích kinh tế nhất định, mà còn cả những lợi ích to lớn về mặt văn hóa – xã hội, góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc trưng của các vùng, miền khác nhau. Có thể nói, du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam cũng như ở Bến Tre là một hình thức du lịch rất tiềm năng, thu hút và hấp dẫn đối nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Trong những năm gần đây, mặc dù đã có bước phát triển đáng ghi nhận, thể hiện những nỗ lực của những cơ quan quản lý ngành du lịch cũng như của các địa phương, du lịch làng nghề đã ngày càng đóng góp tích cực hơn so với tỷ trọng các loại hình du lịch. Thế nhưng hoạt động du lịch này vẫn chưa thực sự đạt được những kết quả như mong muốn bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan.
Trong tương lai, du lịch làng nghề ở Bến Tre nếu muốn phát triển hơn nữa thì cần phải tìm và ứng dụng các phương hướng, biện pháp nhằm phát triển du lịch làng nghề. Đây là một vấn đề lớn, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành du lịch, mà còn cần sự phối hợp của nhiều ban ngành như các cơ quan Quản lý văn hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công Thương… Nếu làm không khéo sẽ để lại hậu quả không nhỏ như lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng: “Vấn đề phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn. Nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa lớn nhất của mình đó là các làng nghề”.

CHÚ THÍCH:
1. Lê Thị Minh Lý 2003: Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Tạp chí Di sản văn hóa số 4.
2. Trần Minh Yến 2003: Phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận án bảo vệ tại viện kinh tế Việt Nam.
3. Vũ Quốc Tuấn (cB) 2010: Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển. Nxb. Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bùi Thị Hải Yến 2007: Quy hoạch du lịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
2. Bùi Văn Vượng 2010: Nghề chạm khắc đá, nghề chạm khắc gỗ, nghề làm trống cổ truyền Việt Nam, Nxb.Thanh niên, Hà Nội.
3. Bùi Văn Vượng 2010: Nghề dệt, nghề thêu cổ truyền Việt Nam, Nxb.Thanh niên, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam 1991: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, Hà Nội.
5. Đào Đình Bắc (Biên dịch) 1998: Quy hoạch du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
6. Hồ Sĩ Vịnh 2005: Về bản lĩnh Văn hóa Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
7. Hội khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh 2008: Nam Bộ đất và người, Tập 6, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Hội khoa học lịch sử thành phố Hồ Chí Minh 2009: Nam Bộ đất và người, Tập 7, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Lan Hương 2011: Đào tạo nghề cho các làng nghề, Truy cập ngày 30/6/2014, http://www.nguoinhaque.com.
10. Lê Thị Minh Lý 2003: Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, Tạp chí Di sản Văn hóa, Số 04, Hà Nội.
11. Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ 1998: Tổ chức lãnh thổ du lịch, Nxb. Giáo d ục, Hà Nội.
12. Nguyễn Đình Hòa, Vũ Văn Hiếu 2001: Du lịch bền vững, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
13. Nguyễn Như Bình 2012: Làng nghề – Lợi thế văn hóa để phát triển du lịch ở Đông Nam bộ,
Kỷ yếu Hội thảo khoa học Khoa học xã hội và phát triển bền vững Đông Nam bộ, Viện Phát
triển bền vững Đông Nam bộ – Sở Khoa học Công Nghệ Đồng Nai, Đồng Nai.
14. Nguyễn Như Bình 2012: Thực trạng đào tạo – sử dụng và phát triển nguồn nhân lực ngành
Văn hóa – Du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, Kỷ yếu hội thảo khoa học Đối sánh chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
15. Nguyễn Như Bình 2013: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Văn hóa – Du lịch trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, Kỷ yếu hội th ảo khoa học Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương.
16. Nguyễn Như Bình 2014: Bảo tồn và phát huy nghề làm lồng đèn truyền thống Phú Bình – Tp. Hồ Chí Minh, In trong Làng nghề và phát triển du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Hồ Chí Minh.
17. Nguyễn Văn Huyên (Chủ biên) 2006: Văn hóa mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội,
Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
18. Nguyễn Xuân Kính 2009: Con người môi trường và văn hóa, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
19. Trần Ngọc Thêm 2006: Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh.
20. Trần Văn Thông 2002: Tổng Quan du lịch, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang, Tp. Hồ Chí Minh.
21. Trường Đại học Sài Gòn 2009: Đào tạo nguồn nhân lực Văn hóa – Du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển, Kỷ yếu hội thảo khoa học toàn quốc, Tp. Hồ Chí Minh.
22. Võ Thị Thắng 2005: Phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới, Tạp chí Cộng Sản, số 5, tháng 03.
23. Võ Văn Sen, Ngô Thanh Loan, Huỳnh Quốc Thắng (Chủ biên) 2014: Làng nghề và phát triển du lịch, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
24. Vũ Quốc Tuấn 2011: Làng nghề trong công cuộc phát triển đất nước, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
25.  Wikipedia.org, Bến Tre, Truy cập ngày 30/6/2014.

Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.
 

Các tin khác:
Cây dừa trong sự phát triển du lịch bền vững ở Bến Tre
Cây Dừa - Góc nhìn từ ngành du lịch
Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp cải tạo cơ cấu để tăng hiệu quả kinh tế vườn dừa
Cây dừa Việt Nam - So sánh với cây dừa Đông Nam Á
Các sản phẩm dừa tại Việt Nam
Phát triển sản xuất dừa tại một số quốc gia Châu Á - Kinh nghiệm cho Việt Nam
Cây dừa Việt Nam qua khói lửa chiến tranh
Dấu ấn dừa trong đời sống của người dân Bến Tre
Dấu ấn cây dừa trong văn hóa vùng sông nước Tây Nam Bộ
Nhạc cụ Dừa - Tài nguyên văn hóa của Việt Nam
 
THĂM DÒ Ý KIẾN
Theo bạn, chất lượng nội dung Website này như thế nào ?
Rất phong phú
Khá phong phú
Chưa phong phú
Ý kiến khác
Dành cho Quảng cáo
Cơ sở SX Thạch dừa Minh Tâm
DNTN Hưng Long
Công ty Cổ phần Chế biến Dừa Á Châu
Công Ty TNHH MTV Xuất Nhập Khẩu Huy Thịnh Phát
Thương hiệu mạnh
Cơ sở Dừa Xanh Bến Tre
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre
Thạch dừa Minh Châu
Cty TNHH MTV Chế biến Dừa Lương Quới
Công ty TNHH Vĩnh Tiến
Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long
Công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre
Kẹo dừa Thanhh Long
DNTN Trương Phú Vinh
Công ty Lê An
Công ty Cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long
Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 28.559.094
Online: 29
Sản phẩm doanh nghiệp
 
Trang chủ | Dịch vụ | Liên hệ - Góp ý
Về đầu trang
 
thiet ke web thiet ke web hcm thiet ke web vung tau thiet ke web gia vang hoa dat hoa dat son nuoc son nuoc noi that binh sua tre em san xuat moc khoa may ao thun