“ Website này được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo Bến Tre (DBRP Bến Tre ) và sự góp sức của nhiều bạn bè. Hiệp hội Dừa Bến Tre rất mong thành viên của Hiệp hội và thân hữu xa gần tiếp tục giúp đỡ, góp ý và gởi tin - bài, để Website ngày càng hoàn chỉnh và có ích”.
HIỆP HỘI DỪA BÊN TRE
Thông tin cần biết
Cây dừa với việc khai thác sản vật địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ du lịch
11-11-2014
Nguyễn Thị Bích Thúy, ThS. Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực IV
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có 1 thành phố trực thuộc trung ương và 12 tỉnh. Tổng diện tích các tỉnh thuộc ĐBSCL là 40.548,2 km², tổng dân số trong vùng là 17.330.900 người. Diện tích canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng khu vực này đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản của cả nước.
Với cây ăn trái, cây dừa được xem là một loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các sản phẩm được chế biến từ dừa phục vụ du lịch nổi tiếng trong cả nước. Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm từ cây dừa phục vụ du lịch còn có một số hạn chế cần khắc phục nhằm nâng cao giá trị cây dừa vùng ĐBSCL.
Từ khóa: khai thác, sản vật địa phương, du lịch
1. Giới thiệu một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm đặc trưng trong du lịch được chế biến từ dừa vùng ĐBSCL
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) lưu niệm đặc trưng trong du lịch là một loại dịch vụ du lịch rất cần thiết, một bộ phận quan trọng cấu thành các sản phẩm du lịch không thể thiếu trong hoạt động du lịch của một địa phương, một quốc gia. Vì vậy sản phẩm TCMN lưu niệm trong du lịch nhất thiết phải có “tính đặc trưng” với những yếu tố cơ bản như sau:
Thứ nhất, đó thực sự là những hàng hóa TCMN tiêu biểu của địa phương. Sản phẩm TCMN là những hàng hóa vật chất được chế tác bằng tay và mang những giá trị văn hóa truyền thống của một cá nhân, gia đình, dòng họ hoặc một cộng đồng làng nghề địa phương nhất định. Tất cả đều là nơi thể hiện dấu ấn của trí tuệ, tâm hồn và bàn tay khéo léo, tinh xảo của con người. Mặc dù vậy, những tác phẩm, sản phẩm ấy chỉ có thể được xem là “tiêu biểu” khi nào nó mang những giá trị đặc sắc, vượt trội so với những thứ hàng hóa TCMN khác đang có mặt tại địa phương về các khía cạnh đặc trưng nói trên.
Thứ hai, đó là những sản phẩm TCMN độc đáo về mẫu mã, chất liệu và kỹ thuật chế tác. Cũng theo xu hướng chung, hàng TCMN thường được chế tác từ những chất liệu truyền thống theo những mẫu mã đa dạng khác nhau nhưng với tính năng chung thường là những sản phẩm mỹ thuật trang trí, đồ gia dụng v.v…Nhưng, tính “độc đáo” của những sản phẩm này chỉ có thể có được khi chúng mang những nét riêng hoàn toàn mới lạ, không sao chép hoặc trùng lặp bất cứ sản phẩm nào đã có với giá trị vượt trội hẳn so với những thứ cùng loại ở bất cứ địa phương nào khác trong và ngoài nước về mẫu mã, chất liệu và kỹ thuật chế tác.
Thứ ba, đó là những sản phẩm có tính truyền thống và mang nét bản sắc văn hóa đặc thù của dân tộc, của địa phương. Một sản phẩm TCMN “tiêu biểu”, “độc đáo” là những sản phẩm văn hóa truyền thống, với ý nghĩa nó đã có một quá trình lịch sử phát triển gắn với những “làng nghề” nhất định. Những sản phẩm TCMN ấy là một bộ phận trong tiến trình lịch sử - văn hóa của dân tộc, của cộng đồng địa phương. Điều này càng có ý nghĩa, có giá trị cao hơn nếu trong nội dung, hình thức của nó lại hội tụ được những yếu tố thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương.
Thứ tư, đó là những hàng hóa TCMN có thể được đầu tư thành những sản phẩm dịch vụ lưu niệm du lịch hấp dẫn du khách. Với những đặc điểm, giá trị vốn có như đã nêu, hàng TCMN hoàn toàn có thể trở thành những sản phẩm dịch vụ du lịch có giá trị và có sức hấp dẫn lớn. Tuy nhiên, dù có giá trị đến đâu đi nữa, nếu không được nghiên cứu, đầu tư khai thác với một kế hoạch chủ động thì hàng TCMN ấy vẫn có thể chỉ là nguồn “tài nguyên” chứ chưa hẳn đã là những “sản phẩm du lịch” đúng nghĩa. Để trở thành “sản phẩm du lịch” đích thực, nhất là có thể trở thành một thứ “quà lưu niệm” với ý nghĩa nó phải là những hàng hóa được “chế biến”, “đóng gói” và “thiết kế” để khách du lịch có thể mang về sau khi gặp và mua nó (hoặc được bố trí trao tặng) trong hệ thống các tuyến điểm (tours) và dịch vụ du lịch đã và đang có tại địa phương.
Dừa vùng ĐBSCL không chỉ hấp dẫn bởi hương vị ngọt, thơm của trái dừa, mà nó còn tạo ra những sản phẩm TCMN đẹp mắt để mọi người chiêm ngưỡng. Từ xưa đến nay rất ít loại cây trồng nào có giá trị sử dụng như cây dừa, từ thân, cọng, bẹ dừa, lá… đều có thể sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, làm ra nhiều loại sản phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu. Có thể nói cái gì dính dáng đến cây dừa, ngay cả những phế phẩm tưởng chừng như bỏ đi, nhưng qua sự khéo léo, sáng tạo của người dân vùng ĐBSCL đã trở thành những sản phẩm rất có ích cho cuộc sống. Đặc biệt, với óc sáng tạo kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ đã được ra đời.
Cây dừa là một loại cây trồng để ăn trái, do vậy khi dùng gỗ dừa làm hàng thủ công mỹ nghệ phải chọn cây dừa từ 40 - 50 năm tuổi trở lên mới có độ cứng đặc trưng và làm nên những hàng thủ công mỹ nghệ rất độc đáo, bắt mắt. Đặc biệt là xớ gỗ rất độc đáo mà các loại gỗ khác không có. Sau khi gia công ở công đoạn tạo hình, phải tiếp tục xử lý ẩm, mối, mọt. Bằng công nghệ và vệ sinh cho phép hàng loạt sản phẩm được ra đời như vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em, quà lưu niệm. Một đặc trưng khác từ đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa, hầu hết những phế phẩm thu được từ cây dừa đều có thể tận dụng để sản xuất ra những món hàng lưu niệm, trang trí lạ mắt và mang nét đặc trưng riêng của vùng ĐBSCL, như:
- Cọng lá dừa, vật liệu tưởng chừng như bỏ đi ấy, hay từ xưa chỉ dùng làm nhiên liệu nấu bếp của các chị em phụ nữ nông thôn vùng ĐBSCL, qua sáng tạo người dân đã tận dụng và tạo nên những giỏ bằng cọng dừa dùng để cắm hoa, tạo nên những giỏ hoa xinh xắn làm quà tặng trong những dịp lễ tết, hay trang trí tại những nơi trang trọng trong gia đình, nhà hàng, khách sạn,….
- Chà dừa, nơi những trái dừa được gắn liền với thân mẹ, sau khi làm tròn vai trò kết nối để nuôi sống những trái dừa, chà dừa sẽ được những người thợ phơi khô, sơn màu hoặc đánh dầu bóng, kết thành những giỏ hoa, lồng đèn trang trí thật lạ mắt.
- Trái dừa, trái có hình dáng đẹp thì làm mười hai con giáp, trái dừa xấu thì làm giò lan, tổ chim, trái dừa điếc cũng làm được biểu tượng trái bóng bầu dục và hình thù ngộ nghĩnh.
- Xơ dừa, khi được tách ra từ vỏ của trái dừa, sau khi được làm sạch, se sợi sẽ được kết lại làm đủ các loại thảm hình thù con thú, con cá, không chỉ sử dụng trong nước mà còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
- Gáo dừa ngoài việc sử dụng làm than hoạt tính, nhiên liệu, sau khi được xử lý, đánh bóng, cắt nhỏ tùy theo yêu cầu của sản phẩm, người thợ sẽ kết thành những túi xách xinh xắn cho chị em phụ nữ, kết hợp với gỗ dừa sẽ tạo thành những chiếc xe, chiếc thuyền và những món quà kỷ niệm khác.
- Gỗ dừa, gáo dừa có thể chế tác thành hơn năm trăm mặt hàng TCMN độc đáo như: bình trà, tách uống trà, nhạo rượu, ly uống rượu, chén, tô, đũa, dĩa, muỗng, nĩa, giá xúc cơm, sạn dùng cho chảo không dính, bình hoa, hộp đựng danh thiếp, hộp dựng nữ trang, hộp thuốc lá, gạt tàn, chân nến, xe xích lô, xe ô tô, dụng cụ matxa, đồi mồi, búp bê, cúp bóng đá, hồ lô, tôm, cua, gà, cá, ếch, cò, lồng đèn, giỏ xách,….
Mỗi mặt hàng có nhiều mẫu mã khác nhau phù hợp với nhiều đối tượng, với không gian, với môi trường. Mọi người ai cũng có thể mua để trang trí và sử dụng trong nhà bếp, bàn ăn đến phòng ngủ, phòng khách sang trọng; đồ chơi của em bé, đến trâm cài, lược chải tóc cho phụ nữ, cây gậy cho người già, từ trong nhà đến những nơi sang trọng. Những mặt hàng TCMN làm từ cây dừa vùng ĐBSCL không chỉ sử dụng trong nước mà đã vươn xa đến tay người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Nhật,…thông qua hình thức xuất khẩu và du lịch.
Có thể nói, từ những phần chính cho đến cả những phần phụ của cây dừa đã góp phần cho ra đời rất nhiều những sản phẩm làm từ dừa độc đáo, hấp dẫn. Những người thợ thủ công ở xứ dừa vùng ĐBSCL với đôi bàn tay khéo léo, cùng với ý tưởng sáng tạo đã tạo nên những sản phẩm hàng TCMN có tính nghệ thuật cao. Những sản phẩm đó đã góp phần nâng cao giá trị toàn diện của cây dừa vùng ĐBSCL; làm phong phú và tô đẹp thêm nét đặc trưng văn hóa dừa trên đất “chín rồng”. Hàng TCMN từ dừa đã góp phần giới thiệu hình ảnh cây dừa vùng ĐBSCL đến với bè bạn gần xa trong và ngoài nước. Những sản phẩm đó không những chỉ làm đẹp cho đời, cho quê hương xứ dừa, mà cho cả đất nước Việt Nam.
2. Những hạn chế chính của việc khai thác cây dừa - sản vật địa phương vùng ĐBSCL phục vụ du lịch
Giá trị của một khu vực kinh tế du lịch được quyết định bởi nhiều nhân tố, nhưng chắc chắn không thể không có nhân tố quan trọng là sản phẩm. Có thể nói du lịch nông thôn là nét đặc thù của du lịch ĐBSCL, được xem như chiến lược phát triển du lịch cũng như về sản phẩm du lịch. Các sản phẩm du lịch ở khu vực này tập trung khai thác hệ tài nguyên du lịch nông thôn rất rõ nét, bao gồm việc khai thác các cảnh quan sinh thái nông thôn ở vùng làng quê sông nước, khai thác các sản vật địa phương và khai thác nguồn tài nguyên con người đặc biệt ở đây – người nông dân ĐBSCL hiếu khách, hiền hòa, phóng khoáng và dễ mến.
Đặc biệt, ĐBSCL là khu vực sản xuất nông nghiệp đặc thù với nhiều sản vật địa phương dễ thu hút du khách nhờ những giá trị tự nhiên và tính sinh thái của chúng. Tuy nhiên, việc khai thác các sản vật địa phương để phục vụ du lịch hiện nay ở khu vực ĐBSCL, đặc biệt là cây dừa, trên thực tế, đang phát triển theo xu hướng tự nhiên nhất của nó, thể hiện ở hai khía cạnh:
Một là, ở nhiều làng quê ĐBSCL, người dân làm theo thói quen, “trước sao giờ vậy”, ít nghiên cứu cải tiến sản phẩm hay mở rộng các hoạt động tiếp thị, quảng bá. Cho nên, diện mạo cũng như giá trị của các sản phẩm TCMN từ cây dừa hầu như không có mấy thay đổi.
Hai là, ở nhiều nơi trong vùng, tư duy của người dân là “có nhiêu làm nhiêu”, ít gắn với việc lập kế hoạch kinh doanh bài bản, nhiều khi lời lỗ đều đúng theo kiểu "hên – xui" như cách nói của người dân trong vùng. Chưa kể, việc chế biến, sản xuất mặt hàng TCMN từ cây dừa gắn liền với các làng nghề, chứ chưa có sự hợp tác chung với nhau trong làng và giữa các làng nghề trong vùng và các vùng miền khác với nhau, mà chủ yếu vẫn là mạnh ai nấy làm, ai biết thì làm. Hầu như vấn đề sản xuất – kinh doanh các mặt hàng TCMN từ cây dừa ở các làng nghề vùng ĐBSCL chỉ được đặt ra ở mức kinh tế hộ gia đình, chứ chưa tiếp cận được mức kinh tế cộng đồng. Do đó, nhận diện một cách rõ ràng những hạn chế đã ngăn cản mặt hàng TCMN từ cây dừa ở ĐBSCL tiếp cận hiệu quả hơn với thị trường hàng hóa du lịch là một trong những vấn đề thực tiễn cần đầu tư nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp.
Hạn chế đầu tiên dễ nhận thấy là các mặt hàng TCMN từ cây dừa ở ĐBSCL còn chưa được nghiên cứu và đầu tư khâu đóng gói phù hợp với yêu cầu phục vụ du khách. So với việc đóng gói hàng hóa phục vụ thương mại nói chung, việc đóng gói hàng hóa phục vụ du khách có những yêu cầu riêng căn cứ vào thói quen và hành vi tiêu dùng của du khách. Về căn bản, có thể liệt kê ba yêu cầu chính của việc đóng gói sản phẩm phục vụ du khách là:
- Đóng gói thuận tiện để du khách mang đi. Yêu cầu này bao gồm việc nghiên cứu lựa chọn kích thước của gói sản phẩm, khả năng tháo rời để mang đi và lắp lại dễ dàng theo hướng dẫn, đóng gói an toàn, hạn chế bể vỡ sản phẩm.
- Đóng gói đẹp để du khách có thể mua làm quà tặng của chuyến đi. Yêu cầu này phù hợp với tâm lý du khách, vì thực tế du khách thường có nhu cầu mua quà tặng cho bạn bè, người thân khi đi du lịch, nếu sản phẩm đóng gói không đẹp thì khó thuyết phục du khách chọn mua làm quà tặng. Từ góc nhìn kinh doanh, việc đóng gói đẹp tuy có thể khiến giá sản phẩm cao hơn, nhưng cũng là cơ hội để người sản xuất tăng giá trị lợi nhuận trên món hàng. Yêu cầu đóng gói đẹp cho sản phẩm thậm chí còn phải tiếp cận mức độ sang trọng nếu muốn khai thác sản phẩm ở phân khúc thị trường du lịch cao cấp chứ không chỉ dừng lại ở thị trường du lịch bình dân.
- Đóng gói có đặc trưngvăn hóa của điểm đến để du khách có thể chọn làm vật kỷ niệm của chuyến đi. Đây cũng là một nhu cầu phổ biến của du khách khi chọn mua sản phẩm địa phương trong chuyến đi. Các sản phẩm cần được nghiên cứu đóng gói sao cho không chỉ có đặc trưng nhận diện thương hiệu của nhà sản xuất mà còn phải phản ánh được đặc trưng thương hiệu và bản sắc văn hóa của điểm đến. Du khách sẽ ưu tiên chọn các sản phẩm được đóng gói theo hướng này hơn, vì có thể đem lại cho họ những món đồ ghi nhớ kỷ niệm của chuyến đi.
Đối chiếu yêu cầu đóng gói hàng hóa du lịch vừa nêu với mặt hàng TCMN từ cây dừa ở khu vực ĐBSCL, không khó để rút ra nhận xét là các mặt hàng TCMN từ dừa ở khu vực này về cơ bản chưa đáp ứng được. Phần lớn đều đóng gói chưa đẹp, công nghệ đóng gói hạn chế, chưa thuận tiện cho du khách mang đi. Yếu tố phục vụ tại chỗ vẫn là nét chủ đạo trong khai thác kinh doanh ở đây. Cách đóng gói chủ yếu phù hợp với thị trường du lịch bình dân. Ngoài các sản phẩm TCMN, trong yêu cầu đóng gói các dạng mặt hàng liên quan đến ăn uống, như các loại kẹo dừa, thạch dừa, bánh tráng dừa v.v.. yêu cầu đóng gói sạch, an toàn cho sức khỏe và được công nhận kiểm nghiệm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm còn chưa được đề cao.
Phần nhiều các hàng hóa TCMN, lưu niệm từ dừa đều đóng gói mà thiếu sự đầu tư bài bản về hình ảnh thương hiệu của nhà sản xuất cũng như của điểm đến. Yếu tố thuận tiện cho du khách cũng ít được cân nhắc. Bao bì nilon dễ hỏng, các hỗ trợ bảo quản sản phẩm không đi kèm, hình thức đóng gói đơn điệu, giống nhau đồng loạt. Những hạn chế nói trên về đóng gói hàng hóa có thể khiến cho sự ủng hộ và lòng tin của du khách vào giá trị hàng hóa từ dừa vùng ĐBSCL không cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của du khách.
Hạn chế thứ hai của việc khai thác sản phẩm từ dừa phục vụ du lịch ở ĐBSCL là sản phẩm chưa đa dạng và chủ yếu mới chế biến thô, ít giá trị gia tăng. Thực tế này khiến các sản phẩm từ dừa ở đây khó tiếp cận thị trường du khách nước ngoài.
Sản vật địa phương cần được nhận diện là yếu tố nguyên liệu đặc thù để trên cơ sở đó chế biến và phát triển nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ du khách. Tuy nhiên, nhìn vào các mặt hàng chế biến từ dừa vùng ĐBSCL thì sự đơn điệu về sản phẩm khiến cho gần như ở các tỉnh trong vùng sản phẩm đều khá giống nhau và đều thiếu đa dạng.
Thực tế này cho thấy, để các mặt hàng được chế biến từ dừa tiếp cận tốt hơn với thị trường du khách, cần đầu tư hỗ trợ cho người dân ở đây một số khâu còn thiếu trong tổ chức sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ tìm kiếm phát triển các ý tưởng mới về sản phẩm, nghiên cứu phối hợp nhiều sản vật khác nhau trong những món hàng hóa mang tính phối hợp cao hơn. Đến nay dường như chỉ mới có Bến Tre là địa phương biết tập trung khai thác cây dừa tương đối hiệu quả để tạo ra chuỗi sản phẩm sản vật địa phương, tuy vẫn còn nhiều điểm bất cập, nhưng đã tạo ra một mô hình kinh tế thực sự từ một loại sản vật đặc thù của địa phương là cây dừa (xem Hình 1).
Hình 1: Mô hình làng nghề du lịch tập trung nghề thủ công
với nguồn nguyên liệu là trái dừa của Nguyễn Hữu Khánh
Để giải quyết vấn đề này, không thể trông cậy vào khả năng sản xuất, kinh doanh tự phát của người dân. Các ngành hữu quan ở địa phương, trong đó có ngành du lịch, cần phải bắt tay xây dựng và thực hiện những đề án đủ lớn về sản xuất, kinh doanh các sản vật địa phương, trong đó có cây dừa. Chẳng hạn, việc quy hoạch trồng trọt, khai thác cây dừa trong những vùng có liên quan cần kết hợp với việc tổ chức sản xuất một số sản phẩm kết hợp mà dừa là nguyên liệu đặc thù, hạn chế việc khai thác thô hệ nguyên liệu này, hiệu suất kinh tế không cao.
Hạn chế thứ ba là việc sản xuất một số mặt hàng TCMN lưu niệm từ dừa có thể gắn liền với các làng nghề truyền thống trong vùng, nhưng lại chưa chú trọng đến việc bảo tồn và khai thác các giá trị công nghệ sản xuất cổ truyền vốn là những giá trị giàu bản sắc địa phương và thường rất “ăn khách” trong du lịch. Bản thân quy trình chế tác các bộ phận của cây dừa thành các mặt hàng TCMN theo cách truyền thống có thể sẽ rất thú vị với du khách. Yếu tố thủ công truyền thống luôn là một giá trị văn hóa được du khách thích thú và tôn trọng. Nhiều du khách có nhu cầu được nhìn thấy tận mắt quy trình chế tác, được thử chế tác các sản phẩm từ dừa. Do đó, chú trọng thích đáng đến việc phục dựng mẫu quy trình sản xuất thủ công truyền thống đối với các sản phẩm từ dừa là việc cần thiết mà ngành du lịch địa phương nên chú trọng đầu tư bài bản. Phục dựng mẫu sẽ đi cùng với việc tạo điểm trình diễn cho du khách xem. Đây là bí quyết tạo sự thu hút đối với du khách ở nhiều điểm đến du lịch. Điểm đến không nên hình dung đơn giản chỉ là nơi dừng chơi để ngắm nhìn thắng cảnh hay mua sắm hàng lưu niệm. Điểm đến cũng nên là một dạng “sân khấu” mà ở đó các giá trị văn hóa địa phương đặc thù có được cơ hội trình diễn.
Các làng nghề truyền thống gắn liền với việc sản xuất các mặt hàng TCMN lưu niệm từ cây dừa dường như chưa được hỗ trợ phát triển thỏa đáng, các hộ dân nhỏ lẻ trong các làng nghề chủ yếu tự xoay xở trong phạm vi nguồn vốn nhỏ lẻ của gia đình, sản xuất manh mún, không phát huy được giá trị thủ công truyền thống để khai thác du lịch, mà chạy theo sản xuất hàng chợ để phục vụ mua bán đơn thuần.
3. Kiến nghị một số giải pháp nhằm đưa sản phẩm từ dừa vùng ĐBSCL tiếp cận tốt hơn với du khách
Những hạn chế này là những rào cản chính làm hạn chế hiệu quả khai thác sản phẩm dừa địa phương phục vụ phát triển du lịch và nó cũng tạo ra một giới hạn chung về tính chuyên nghiệp và mức độ thu hút du khách ở các địa phương ĐBSCL.
Một là, dựa vào những “mô típ” sản phẩm TCMN từ dừa được “cải biên”, nâng cao giá trị và hoàn toàn sáng tạo ra “mẫu mã” mới dựa trên những “chất liệu” từ vốn văn hóa truyền thống địa phương. Liên hệ một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, là nơi có rất nhiều hàng TCMN các loại khá phong phú nhưng chủ yếu là được mang đến từ các địa phương khác. Do vậy, thành phố này trong thực tế vẫn thiếu những sản phẩm lưu niệm du lịch mang tính “đặc trưng” của mình. Từ đó, ngành du lịch thành phố đã phối hợp cùng Hội Mỹ thuật thành phố phát động thi sáng tác mẫu mã TCMN để làm quà lưu niệm du lịch xem như là giải pháp tích cực nhất. Một địa phương khác như Bình Thuận ngoài các quà lưu niệm từ các “đặc sản” truyền thống của địa phương như thanh long, nước mắm, cốm, hạt dưa…thì về hàng hóa TCMN nổi tiếng hầu như chỉ có nghề gốm của người Chăm (làng Trì Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình)…, do đó việc phát động sáng tác theo mẫu mã TCMN mới như vừa nêu là rất cần thiết.
Hai là, các địa phương vùng ĐBSCL nên tập trung theo đuổi một chiến lược dài hạn để tăng cường sức mạnh và giá trị thương hiệu cho sản vật từ cây dừa. Điều này sẽ tạo tiền đề thúc đẩy năng lực của người dân trong việc khai thác sản vật, phát triển chuỗi sản vật địa phương phục vụ du lịch. Cụ thể, các địa phương nên tuyên bố danh mục sản vật địa phương thông qua các sáng kiến truyền thông, như sáng kiến “danh mục cây quốc gia”, “cây biểu tượng địa phương”,… Các địa phương trên cơ sở của việc tuyển chọn danh mục sản vật đặc thù của địa phương, nên xây dựng một chính sách hỗ trợ về vốn và công nghệ thông qua các dự án để thúc đẩy việc phát triển chuỗi sản phẩm từ các sản vật địa phương, trong đó có cây dừa.
Ba là, chính quyền địa phương cần tập trung đội ngũ chuyên gia để nghiên cứu thiết kế và chuyển giao năng lực đóng gói sản phẩm cho người dân, nhằm hỗ trợ cho việc nâng cao giá trị các sản phẩm từ dừa, kèm theo một hỗ trợ về chính sách cho những dự án sản xuất các mặt hàng từ dừa, có kế hoạch thay đổi giá trị đóng gói, việc tạo ra hộp, túi dựng, bao bì …cùng những hình thức kết hợp thể hiện “logo”, “slogan” du lịch quốc gia, du lịch địa phương cũng phải được tính đến. Điều này giúp khắc phục sớm nhất hạn chế về đóng gói sản phẩm đã nêu trên.
Bốn là, việc đầu tư bảo tồn và phát triển giá trị làng nghề phục vụ du lịch. Việc đầu tư bảo tồn các giá trị của làng nghề không nên chỉ chú ý đến các giá trị văn hóa mà bỏ quên việc bảo tồn các giá trị kinh tế truyền thống của làng nghề, cụ thể là các giá trị sản xuất thủ công truyền thống. Các giá trị kinh tế truyền thống của làng nghề là một nhân tố sinh lợi quan trọng trong các dự án phát triển làng nghề du lịch, nhất là khi giá trị kinh tế đó dựa vào nguồn sản vật đặc thù và dồi dào của địa phương như cây dừa. Vấn đề giá cả, tuyên truyền quảng bá cho các sản phẩm cũng là những việc quan trọng, không thể không chú ý đúng mức.
Tóm lại, những yếu tố cơ bản tạo nên nét đặc trưng cho sản phẩm TCMN lưu niệm du lịch từ cây dừa vùng ĐBSCL chính là những giá trị văn hóa bản địa (di sản có sẵn hay được sáng tạo mới), một bộ phận góp phần tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc cho vùng. Thông qua những giá trị như vậy và với đặc điểm, vị trí đặc biệt của mình, sản phẩm TCMN lưu niệm từ cây dừa vùng ĐBSCL phục vụ du lịch vừa là một bộ phận hàng hóa dịch vụ du lịch trực tiếp góp phần vào mục tiêu “đa dạng hóa và nâng cao chất lượng” các sản phẩm du lịch văn hóa, đồng thời đó vừa là những hình thức tuyên truyền quảng bá và xúc tiến năng động cho địa phương, cho quốc gia không chỉ về văn hóa du lịch mà còn về nhiều mặt khác…Du lịch ngày càng phát triển, đồng nghĩa với nhu cầu về sản phẩm TCMN lưu niệm từ cây dừa vùng ĐBSCL sẽ ngày càng tăng. Do vậy, việc nghiên cứu, đầu tư phát triển các sản phẩm này cả về lượng lẫn về chất sẽ là vấn đề lớn mang tầm quan trọng đặc biệt, liên quan đến chiến lược phát triển các làng nghề truyền thống từ dừa gắn với hoạt động du lịch vùng ĐBSCL hiện nay và trong thời gian tới đây. .
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Bộ Văn Hóa - Thông Tin, Cục Di Sản Văn Hóa 2005: Một con đường tiếp cận di sản văn hóa, Hà Nội
2. http://canthotourist.vn/lu-hanh/mekong-delta Cẩm nang du lịch đồng bằng sông Cửu Long
3. Nguyễn Hữu Khánh 2012, Mô hình làng nghề từ cây dừa Bến Tre. http://vnexpress.net/tintuc/khoa-hoc/moi-truong/mo-hinh-lang-nghe-tu-cay-dua-ben-tre-2394563.html
Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.
HIỆP HỘI DỪA TỈNH BẾN TRE Địa chỉ: số 10, Nguyễn Trung Trực, Phường An Hội, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Điện thoại: 02753 770 999
Email: hhduabentre@gmail.com - Website: http://www.hiephoiduabentre.vn
Ghi rõ nguồn: http://www.hiephoiduabentre.vn khi phát hành lại thông tin từ website này