Nhìn trên bản đồ Việt Nam, Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng Nam bộ, nằm cuối nguồn sông Cửu Long. Có thể thấy, trên mảnh đất trù phú này, trong số nhiều loại cây trồng trên đất vườn ở Bến Tre, cây dừa chiếm vị trí hàng đầu, phát triển liên tục, mạnh mẽ, chiếm hơn 1/3 diện tích dừa trong cả nước. Dừa là một trong những loại cây công nghiệp dài ngày đã tìm được mảnh đất phát triển phù hợp trên ba dải cù lao. Đầu thế kỷ XX, Bến Tre có khoảng hơn 4.000ha dừa nhưng đến nay toàn tỉnh có trên 63.000 ha dừa. Dừa có khả năng phát triển trên đất mặn - lợ của tỉnh, cũng như những đánh giá gần đây thì dừa là một trong những loại cây có nhiều ưu thế nhất để thích nghi với các điều kiện biến đổi khí hậu. Ngoài tính năng thích nghi tốt với môi trường tự nhiên, chịu mặn trên 10‰. Cây dừa còn được xem như cây Lâm nghiệp, có độ che phủ cao và rất tốt trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống cho con người trước sự phát triển công nghiệp và đô thị hóa, trong đó có ngành công nghiệp không khói.
Dù năm tháng có qua đi, dù chiến tranh tàn phá hay vì bất cứ khó khăn nào, dừa vẫn một mực thuỷ chung đi theo và phục vụ cho con người từ nơi ăn chốn ở, từ khi lọt lòng mẹ đến răng long đầu bạc, cây dừa vẫn tươi xanh, hiên ngang trong gió bão, sừng sững trước những trận càn quét của ngoại xâm,... Có lẽ chính vì vậy, mà không phải ngẫu nhiên nhà thơ Lê Anh Xuân lại hỏi: "Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi". Cũng bởi khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất Bến Tre được bồi đắp từ những phù sa của dòng sông MeKong, cùng sự kiên trì nuôi trồng, chăm sóc của người dân nơi đây mà cây dừa đã không ngừng phát triển và xanh tốt: "Thấy dừa thì nhớ Bến Tre". hay "Dừa ru tôi giấc ngủ trẻ thơ" đã tạo nên người dân xứ dừa này vừa dịu dàng, thướt tha như "tóc dài bay trong gió", và mạnh mẽ "như nước lũ tràn về" mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã để lại bài "Dáng đứng Bến Tre" sống mãi trong lòng người dân Việt.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây dừa đã đóng góp không nhỏ trong công cuộc chống kẻ thù, người dân và chiến sĩ dùng thân cây dừa để xây hầm tránh bom đạn; quân và dân ta sáng tạo, ứng dụng trong điều kiện khó khăn, biết sử dụng nhiều thân cây dừa dài, nặng kết thành "bè thần", chờ nước rút mạnh thả trôi sông đánh sập cầu nhằm cắt huyết mạch giao thông của địch rất hiệu quả, ngăn chặn quân thù từ thị xã Bến Tre đến các huyện Giồng Trôm và Ba Tri. Hay bộ đội địa phương thường leo lên ngọn dừa lão cao để quan sát, nắm bắt tình hình của giặc hoặc làm điểm "chém dè" lúc giặc ruồng bố... Nói chung, vườn dừa Bến Tre là địa bàn, là mặt trận mà quân và dân ta đã vận dụng sáng tạo đã từng là cơn ác mộng, là nơi quân thù khiếp sợ khi ruồng bố tại đây, bởi vì dừa đã làm tốt nhiệm vụ: "Dừa che bộ đội, dừa vây quân thù".
Ở vùng đất cù lao này, cây dừa sử dụng trong việc làm nhà ở, tạo ra nơi che nắng mưa, các cột nhà dừa và vách ván dừa là vật liệu rất được ưa chuộng của người dân địa phương. Dừa còn đi vào thơ ca, là chất xúc tác, se duyên cho nhiều đôi trai gái như bài hát "Cây cầu dừa"... và trong cuộc sống thực tế, dừa rất vững chãi để nối kết lại tình làng, nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, cùng nhau trao đổi để cây dừa phát triển tốt, bền vững và hiệu quả. Cây dừa, ngay từ đầu, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, tăng thu nhập cho người Bến Tre từ nguồn thu từ trái dừa và các phụ liệu khác, mà thân cây dừa còn là loại gỗ để đóng giường ngủ, làm hàng gia dụng, sử dụng để bắc cầu, làm trụ ngăn lở đất sông, trụ sào đáy ngoài khơi, trụ neo tàu thuyền và đáp ứng nhiều nhu cầu khác vì gỗ dừa bền chắc không thua kém các lọai gỗ cây rừng, gỗ dừa sử dụng đến vài ba chục năm ở ngoài trời hoặc dưới sông, nếu dừa già đem ngâm một thời gian lấy lên làm cột cất nhà ở thì bền lắm, có nhà đến hàng trăm năm tuổi. Ngày nay, những tác động của các yếu tố khoa học - kỹ thuật, gỗ dừa còn tạo ra hàng trăm loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng gia dụng cọng lá dừa để đan giỏ hoa, giỏ tặng phẩm; cọng mo nang bện, đan các loại lồng đèn trang trí nội thất; gáo dừa làm than hoạt tính và sản xuất nhiều loại hàng thủ công mỹ nghệ; vỏ dừa tạo ra hàng chục sản phẩm tiện ích phục vụ sản xuất và đời sống, kể cả mụn của trái dừa cũng làm đất sạch xuất khẩu để trồng cây.
Thường thì theo dân địa phương dừa được chia thành 02 nhóm: Dừa ta và dừa xiêm. Dừa ta là giống dừa bản địa trái to, dùng cơm dừa để lấy dầu, chế biến các sản phẩm tiêu dùng hoặc sử dụng trong ẩm thực, nước dừa thì làm thạch dừa, mặt nạ dừa để làm đẹp da cho phụ nữ; còn dừa xiêm là giống dừa trái nhỏ, vỏ xanh, vàng, đỏ, chủ yếu dùng cho việc giải khát. Tại Bến Tre, trong hai nhóm dừa có trên dưới 30 chủng loại như: dừa Tam Quan, dừa ẻo, dừa dâu, dừa dứa, dừa lửa, dừa bung, ... Nói chung, đến nay cây dừa được khai thác rất triệt để, dừa không chỉ góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, mà còn góp phần tạo công ăn, giải quyết việc làm cho người lao động nhất là trong lĩnh vực du lịch sinh thái sông nước miệt vườn xứ dừa tại quê hương ba dải cù lao.
Những ai đã từng đến với quê hương Đồng khởi đều có những kỷ niệm đáng nhớ bởi một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của một vùng quê với sông nước miệt vườn, hoa kiểng trái cây và các vườn dừa bạt ngàn; bởi bản sắc văn hóa làng nghề độc đáo của địa phương và sự mến khách của người dân bản địa. Đến Bến Tre, qua cầu Rạch Miễu đã đến địa phận Bến Tre mà huyện cửa ngõ đầu tiên là huyện Châu Thành, du khách sẽ tham quan các cồn nổi như cồn Phụng, cồn Quy, đây là điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long nằm trong quần thể "Long - Lân - Qui - Phụng" để trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân xứ cồn, cùng người dân đi đặt lợp, lưới cá, chế biến thức ăn, làm vườn, trồng lúa, tát mương bắt cá, tham gia làm hàng trang trí mỹ nghệ từ dừa,… để hiểu được những nét văn hóa bản địa của người dân địa phương. Trải nghiệm một ngày khám phá du lịch sinh thái sông nước xứ dừa, lênh đênh trên sông hay len lỏi trong các vườn dừa xen canh với cây cacao và dừng chân tại các điểm du lịch sinh thái vườn ven sông, uống những ngụm nước dừa mát lạnh có vị ngọt thanh của những trái dừa xiêm luôn còn đọng lại hương vị khi uống. Hay tham quan các cơ sở sản xuất kẹo dừa, làm bánh tráng dừa, thủ công mỹ nghệ từ dừa, uống tách trà mật ong mang hương vị quê hương thơm ngon mà do những chú ong đã lấy từ hoa dừa và cây ăn trái khác, thưởng thức trái cây miệt vườn và nghe đờn ca tài tử với những bài hát ngọt ngào do những cô thiếu nữ xứ dừa xinh đẹp thể hiện giữa một không gian sông nước hữu tình, hay ngồi trên chiếc xe ngựa dạo quanh đường làng nông thôn để ngắm cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân xứ dừa hoặc thưởng thức cảm giác chèo xuồng trong rạch dừa nước.
Trong những năm gần đây, du lịch Bến Tre thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau, …bởi Bến Tre còn giữ được nét nguyên sơ của đồng bằng Nam bộ được bao phủ một màu xanh của dừa và cây ăn trái lớn nhất nước. Du khách thích tham gia loại hình du lịch sinh thái, chạy xe đạp vòng quanh các tuyến đường ở nông thôn để ngắm nhìn những liếp dừa xanh tươi xen lẫn với các ao, mương rộng thoáng được nông dân nuôi tôm cá quanh năm hay tìm hiểu cách giao thương miệt vườn ở các chợ nông thôn xứ dừa, tận mắt nhìn ngắm những cánh đồng lúa, hít thở không khí trong lành, trãi nghiệm cảnh sinh hoạt thường nhật của người dân nơi đây. Ngoài ra, du khách nước ngoài còn thích đi tham quan các khu di tích lịch sử hay đi thuyền tham quan cảnh sông, rạch chằng chịt của quê hương sông nước, cơ sở sản xuất kẹo dừa, các làng nghề truyền thống sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, những cơ sở chế biến chỉ xơ dừa, cơm dừa, thạch dừa hay nhiều sản phẩm chế biến thực phẩm khác từ chính trái dừa ở các huyện nhiều dừa như Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc, Châu Thành.
Du lịch Bến Tre có nhiều tiềm năng và điều kiện để phát triển đa dạng loại hình du lịch. Tuy ngành du lịch Bến Tre được đánh giá là sinh sau, đẻ muộn, nhưng sự quan tâm sâu sát của các cấp chính quyền định hướng, khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, đặc biệt là sự đặc thù của dừa nên đã dần đáp ứng được nhu cầu tham quan của du khách, đưa hình ảnh du lịch Bến Tre đến với bạn bè quốc tế. Ngay từ đầu năm 2012, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU về phát triển du lịch Bến Tre giai đoạn từ 2012 - 2015, với mục tiêu phấn đấu doanh thu du lịch tăng bình quân 20% năm, lượng khách tăng bình quân 12% năm, phấn đấu đến năm 2015 Bến Tre đón khoảng 1 triệu lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm 40%, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động địa phương, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước con người Bến Tre đến với du khách trong và ngoài nước về một Bến Tre được mệnh danh là "quê hương xứ dừa".
Bến Tre có các loại trái cây đặc sản như: Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bòn bon,…Xứ sở này còn là nơi sản xuất và cung ứng nhiều giống cây trồng chất lượng cao và các loại hoa kiểng cho thị trường trong và ngoài nước, đã hỗ trợ cùng những rừng dừa góp phần cho du lịch sinh thái phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bến Tre với một hệ thống các di tích văn hóa lịch sử và nhiều công trình kiến trúc lịch sử được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh (15 di tích cấp quốc gia và 15 di tích cấp tỉnh). Di tích Đồng Khởi, di tích Nguyễn Đình Chiểu, khu tưởng nữ tướng Nguyễn Thị Định, di tích căn cứ khu ủy Sài Gòn - Gia Định, di tích nhà cổ Hương Liêm,…
Bến Tre cũng có rất nhiều làng nghề truyền thống như: nghề hoa kiểng Cái Mơn (Chợ Lách), bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc (Giồng Trôm), nghề sản xuất kẹo dừa (Mỏ Cày), nghề chỉ sơ dừa (An Thạnh và Khánh Thạnh Tân), nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa (Châu Thành, TP Bến Tre), nghề đan đát Phú Lễ (Ba Tri),... Đây là điều kiện thuận lợi để Bến Tre phát triển loại hình du lịch làng nghề gắn liền với du lịch sinh thái và du lịch về nguồn,… Thật sự, đây là một trải nghiệm thú vị giúp du khách tìm hiểu về những nét văn hóa độc đáo của quê hương xứ dừa. Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đang tập trung khai thác chương trình tour này để thu hút du khách đến Bến Tre nhất là khách quốc tế.
Văn hóa ẩm thực thì Việt Nam được xem là điểm đến lý tưởng của nhiều thị trường du lịch và thực tế đã được nhiều chuyên gia ẩm thực thế giới công nhận là du lịch Việt Nam làm thỏa mãn sự mong đợi của họ qua sự phong phú đa dạng và đặc sắc của các món ăn và thức uống mà người Việt ta chế biến. Không dùng nhiều gia vị như Ấn Độ hay chế biến cầu kỳ như Nhật Bản, không gian ẩm thực Việt lại lan tỏa sức sống cho những ai đã từng trải nghiệm và được xem như nét văn hóa tinh thần không thể thiếu. Tính đa dạng của mỗi vùng, miền cùng nhiều sản vật tại địa phương tạo nên nét đặc trưng riêng trong cách chế biến và thưởng thức. Nói đến phong cách ẩm thực thì miền Bắc thường không đậm các vị cay, béo, ngọt nhưng lại kết hợp với nhiều món rau; miền Trung món ăn có vị cay và mặn, màu sắc được phối trộn phong phú. Thực phẩm Miền Nam có vị ngọt, béo, không cầu kỳ, không mất thời gian chế biến nên mang tính dân dã cao, đây cũng là đặc thù của một thời đi mở cõi vùng đất mới phương nam trù phú trong đó có Bến Tre.
Bến Tre, món ăn về dừa được kết hợp các nguyên liệu của địa phương, đến màu sắc, gia vị và hương thơm hài hòa, tô điểm nét văn hóa ẩm thực, gắn liền với đời sống con người nơi đây. Các nguồn nguyên liệu nấu được lấy từ trái dừa thì không bao giờ thiếu, bởi vì dừa không giống như những loại cây trái khác cho ra trái theo mùa mà được thu hoạch suốt năm. Thực ra, ngoài hai nhóm dừa là dừa xiêm uống nước và dừa ta sử dụng cơm dừa trong chế biến thực phẩm và trong công nghiệp, người ta còn lai tạo ra các giống dừa cao sản khác, rất có hiệu quả kinh tế. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để các món ăn được chế biến từ dừa luôn luôn có mặt bất cứ mùa nào trong năm.
Chế biến và thưởng thức các món ăn là kết quả của quá trình phát triển văn hoá ẩm thực, song để đạt được trình độ nghệ thuật ẩm thực đòi hỏi phải gắn với sự phát trịển và văn minh đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển của con người. Muốn vậy, đòi hỏi con người phải có sự hiểu biết phù hợp với trình độ của xã hội. Người Bến Tre trong sự phát triển chung của xã hội, trên cơ sở kế thừa và phát huy vốn văn hoá ẩm thực của cha ông trên vùng đất mới, với điều kiện địa lý tự nhiên và nhiều sản vật mới lạ, qua bàn tay và khối óc đã giúp người Bến Tre sáng tạo ra nhiều món ăn đặc sản, mang đậm hương vị của "dừa". Từ những sản vật vốn là thế mạnh và đặc trưng, người Bến Tre đã biết tạo nên những món ăn mang đậm hương vị vốn có từ sự kết hợp chất mặn nồng của biển, chất ngọt của mía đường, trái cây, chất béo của dừa hòa quyện với hương thơm đồng nội… để tạo nên những món ăn đặc sản đậm đà, khó quên. Hiện nay, theo ghi nhận từ các cuộc hội thi ẩm thực có dừa đã thống kê gần 200 món bao gồm các món chính, thức uống, bánh chè và đã được Trung tâm kỷ lục Việt Nam trao tặng kỷ lục: "Ngày hội ẩm thực có số lượng món ăn thức uống được chế biến từ dừa nhiều nhất". Dừa dùng để chế biến trong các món ăn đều được tận dụng hết gồm cả nước dừa, cơm dừa, nước cốt dừa, đọt dừa (củ hủ dừa). Nước dừa từ lâu được biết đến như một loại nước giải khát thiên nhiên, tính mát, vị ngọt thanh, dùng trong những ngày hè thì không chê vào đâu được. Dừa dùng để uống thường là giống dừa xiêm xanh, bán nhiều trên thị trường, có thể dùng nguyên chất hoặc cho thêm chút đường và vắt chanh với nước đá đều ngon. Ngoài ra, nước dừa còn được sử dụng trong y học, làm dịch truyền trong một số trường hợp đặc biệt khác như trong thời chiến tranh, những quân y đã sử dụng nước dừa thay cho nước biển những khi điều trị. Để góp phần tăng thêm hương vị đậm đà cho món ăn người ta còn lấy nước dừa để kho cá, thịt và làm tôm kho tàu rất được ưa chuộng,… Trong các ngày giỗ, ngày tết người dân Nam Bộ có thói quen làm món thịt kho nước dừa hay còn gọi là thịt kho tàu để cúng ông bà, tổ tiên. Đối với món này phải để lửa nhỏ, không cần nước màu nhưng vẫn có màu vàng ươm rất đẹp, chỉ cần nấu với nước dừa tươi cùng một số gia vị vừa đủ. Thịt kho tàu muốn ngon phải nấu đi nấu lại nhiều lần đến khi thịt mềm ra, nước có vị ngọt, béo, hương thơm thì mới ngon. Ngoài ra, nước dừa làm cho món cơm nấu trong trái dừa có hương vị đặc biệt. Gạo dùng để nấu cơm dừa phải chọn loại gạo dẻo, thơm. Dừa phải chọn loại trái ngọt nước, thường là dừa xiêm, gọt vỏ và chặt phần dưới để đặt trái dừa đứng vững, dùng dao chặt miệng phía trên, giữ lại phần nắp để làm nắp đậy; cho gạo vừa đủ vào trái dừa có nước dừa để lúc gạo chín nở đầy là vừa đặt trong gáo dừa, đem nấu cách thủy khoảng 1 giờ là có thể dùng. Đối với món cơm dừa, khi ăn có hương tỏa ra rất thơm, vị ngọt thanh trong mỗi hạt cơm, ăn với tép bạc rang dừa là không có gì bằng. Nước cốt là phần cơm dừa có màu trắng, thông thường dày khoảng 10-15mm, có vị béo là nguyên liệu chủ yếu trong các món ăn từ dừa của Bến Tre. Sự đa dạng đã được biến tấu nên nhiều kiểu nấu độc đáo như các món lươn um dừa, thịt bò xào dừa,… hay kết hợp nấu cùng rau thơm, nước cốt dừa và các loại ốc đều rất ngon. Ngoài ra, nước cốt dừa còn góp mặt hầu hết vào các món chè, món bánh kết hợp với các nguyên liệu như khoai lang, đậu đen, đậu đỏ,… Đối với các món chè có thể ăn nóng hay lạnh tùy sở thích của mỗi người.
Trên cây dừa, phần non nhất trên đọt được xem là mạch sống của cây dừa. Người dân thường thì khi muốn ăn, họ chọn và đốn những cây dừa đã không còn cho trái tốt hay những nhóm cây dừa mà nông dân trồng dừa chỉ trồng để lấy đọt non, họ đốn cây dừa xuống mới có thể lấy được nó gọi là củ hủ dừa. Củ hủ dừa rất ngon, giòn và có vị ngọt. Đây là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa và có nhiều khoáng chất. Ngày nay, củ hủ dừa rất thông dụng trong việc chế biến các món như gỏi củ hủ dừa tôm thịt, món xào, món canh hoặc có thể ăn sống đều được. Tuy nhiên, bánh xèo củ hủ dừa là sự biến tấu rất Bến Tre mà người dân nơi đây đã sáng tạo và trở thành món ăn được nhiều người phương xa biết đến. Nếu ai có dịp đến xứ dừa Bến Tre thì đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản từ củ hũ dừa này.
Như vậy, cây dừa Bến Tre đã thổi hồn vào ẩm thực Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung. Chính sự vận dụng một cách sáng tạo, cùng đôi bàn tay khéo léo, cách chế biến kết hợp với nguồn tài nguyên có sẵn từ miền sông nước xứ dừa mà người dân nơi đây đã làm phong phú thêm các món ăn, nâng cao giá trị ẩm thực từ dừa… Có được điều đó không phải ngẫu nhiên, mà phải trải qua quá trình thử nghiệm lâu dài trong đời sống của cư dân địa phương; từ sự giao lưu văn hoá vùng miền và đòi hỏi phát triển của nhu cầu xã hội đã tạo nên nét độc đáo riêng của văn hoá ẩm thực Bến Tre. Có thể khẳng định, ẩm thực xứ dừa trở nên sức sống mãnh liệt và đi vào lòng du khách gần xa khi đến với Bến Tre. Ngày nay, nhắc đến Bến Tre có một số loại bánh đã trở thành "thương hiệu" mà không ai nhớ thời gian nó có tự bao giờ, chỉ biết với tên gọi như: Bánh dừa Giồng Luông; bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc và kẹo dừa Bến Tre,...
Ngoài các món ăn, Bến Tre còn có các sản phẩm thực phẩm chế biến từ dừa như: Cơm dừa khô: Là cơm của trái dừa khô được phơi nắng hoặc sấy khô còn 6-7% ẩm độ, đây là sản phẩm truyền thống từ trái dừa dùng để ép dầu dừa. Dầu dừa thô: được chiết ép từ cơm dừa khô, sau đó qua giai đoạn lọc, dầu dừa được chiết ép theo phương pháp ép khô phải qua khâu tinh luyện để khử màu, khử mùi trở thành dầu ăn, ngoài công dụng để ăn nó còn để chế biến các sản phẩm và hóa chất khác sử dụng trong công nghiệp. Bánh dầu dừa khô: là phần bã dừa còn lại sau khi chiết ép dầu dừa được dùng làm thức ăn gia súc. Dầu dừa tinh khiết: là dầu được chiết ép từ cơm dừa tươi theo phương pháp ép ướt, loại dầu dừa này không màu, có mùi đặc trưng. Được dùng làm mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm cao cấp. Cơm dừa nạo sấy: cơm dừa tươi được nghiền và sấy khô, đóng gói. Được dùng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Sữa dừa: nước cốt dừa được ép từ cơm dừa tươi, xử lý tiệt trùng, đóng lon. Kem dừa: nước cốt dừa đậm đặc hoặc cơm dừa Sáp thêm sữa bò tươi. Rau câu dừa và Yaourt dừa: những sản phẩm lên men tương ứng của sữa dừa. Kẹo dừa: Sản phẩm cô đặc của đường, mạch nha và nước cốt dừa. Thạch dừa: Lên men nước dừa khô, tạo thành thạch thô và tinh chế, đóng gói. Rượu dừa: là mật được chiết từ hoa dừa còn non (mo chưa mở). Rượu dừa được cất từ mật hoa dừa lên men. Mỗi hoa dừa có thể thu được từ 20-30 lít mật hoa dừa có giá trị cao, nhưng khi lấy mật thì không còn thu trái được nữa. Mứt dừa: cơm dừa cứng cạy (10 tháng tuổi) được gọt bỏ phần vỏ nâu, bào mỏng, trộn với đường và sên thành mứt. Đây là sản phẩm rất truyền thống trong ngày tết. Nước dừa tươi đóng hộp: nước dừa của giống dừa uống nước được xử lý vô trùng và đóng hộp.
Cũng xuất phát từ văn hóa ẩm thực xứ dừa có nét đặc trưng riêng như thế nên các dụng cụ gia dụng hay các loại đồ dùng khác bằng cây dừa cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Từ xa xưa, người dân Bến Tre đã biết tận dụng gỗ của cây dừa để làm ra những vật gia dụng thường ngày hay nhiều đồ vật trang trí, lưu niệm khác. Có thể nói, từ nhiều năm nay, các làng nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa đã mọc lên ở nhiều huyện, xã của xứ dừa. Từ chiếc vỏ bình giữ nhiệt cho đến cái ấm trà; hủ tâm, cái vá, đũa bếp xới cơm; muỗng, đũa đủ kiểu; cái chén, ly uống trà...., đến chiếc lược chải tóc, thước kẽ, bút, đồng hồ hay tranh ảnh... cũng được làm từ gỗ dừa và gáo dừa. Cũng dễ hiểu, vì từ xưa, người nông dân chúng ta còn khó khăn, chưa có điều kiện sử dụng những sản phẩm tân tiến của nền công nghiệp hiện đại nên họ đã tận dụng những gì sẵn có từ thân, gỗ, lá, rễ, nhen (buồng dừa)... của cây dừa để làm ra nhiều vật dụng phục vụ cho cuộc sống chân quê.
Ngày nay, trong một xã hội hướng về thiên nhiên, sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với tình trạng thai đổi khí hậu khi trái đất dần nóng lên; cùng tạo ra một môi trường xanh - sạch - đẹp thì giá trị của nó càng được quan tâm nhiều hơn nữa. Nền kinh tế - xã hội phát triển những tưởng các sản phẩm thô sơ từ dừa sẽ mất dần đi giá trị. Nhưng ngược lại, giá trị sử dụng của nó, qua bàn tay và khối óc của người dân nơi đây đã bảo tồn, phát huy và sáng tạo mãnh liệt hơn về giá trị nghệ thuật của chúng cũng không kém phần hấp dẫn, nhất là trong ngành du lịch. Qua bàn tay của các nghệ nhân, họ đã sáng tạo ra hơn 2.000 sản phẩm từ dừa phục vụ cho đời sống xã hội, nhất là quà lưu niệm phục vụ cho khách du lịch. Thân và gáo dừa làm đũa, muỗng, nĩa, đĩa, bình, ly, tách, hộp đựng thuốc, gạt tàn thuốc, gương, lược, túi xách tay, đồi mồi, tôm, cua, ếch, bình hoa, có cả các loại cúp bóng đá, tranh, ảnh, … trông thật là xinh. Đồ chơi cho trẻ em là búp bê, rất khó tưởng tượng nỗi khi có cả từ xe có người kéo, đến xe ngựa, xe lôi, rồi vespa, hon da… nó còn ẩn chứa một ý nghĩa thật thú vị là "ôn lại kiến thức cho đời". Chà dừa là sản phẩm lồng đèn, lẵng hoa. Mo nang làm thuyền hoa. Cọng lá dừa làm giỏ xách, lẵng hoa. Xơ dừa làm đủ các loại thảm hình thù con thú, con cá. Trái dừa nào có hình dáng đẹp thì làm 12 con giáp, năm nào con đó. Còn trái dừa xấu thì làm giò lan, tổ chim, cũng xuất sang được các nước khó tính như Pháp, Hà Lan. Trầm lặng vào hình thù ngộ nghĩnh của 3 chú khỉ đang che mắt, che tai và che miệng sẽ lóe lên một triết lý phương Đông: Việc xấu không nhìn, lời xấu không nghe, nói có hại cho người không nói. Chắc hẳn, không một ai không mê mẫn khi dạo Bước qua những quầy lưu niệm từ dừa của Bến Tre, khi bắt gặp những hàng hóa thủ công mỹ nghệ tinh xảo từ vật lưu niệm, đồ gia dụng hàng ngày được làm từ gỗ dừa bóng loáng với từng thớ gỗ đỏ rực mà du khách chắc hẳn không thể nào không mua một vài sản phẩm cho riêng mình hay làm quà cho người thân. Nhiều du khách vẫn thích ngắm tỉ mĩ từng họa tiết và độ tinh xảo ở mọi khía cạnh của hàng thủ công này một cách say mê và thán phục. Đồ thủ công mỹ nghệ từ dừa khác biệt so với những sản phẩm mỹ nghệ khác ở chỗ vừa dùng trang trí vừa có giá trị sử dụng mà không làm mất đi tính nghệ thuật chứa trong nó. Đúng là từ trong nhà bếp, bàn ăn đến phòng ngủ, phòng khách sang trọng, từ đồ chơi của em bé đến gương, lược của phụ nữ, cây gậy cho người già, từ trong nhà đến những nơi trang trọng, từ trong nước ra nước ngoài, thậm chí còn "ngang nhiên" đến các thị trường khó tính, cũng có mặt sản phẩm từ dừa. Rõ ràng, việc phát triển làng nghề truyền thống tại các địa phương không chỉ góp phần phát triển kinh tế, giải quyết lao động nông nhàn, mà còn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Đây cũng là cách để lưu giữ tài nguyên du lịch nhân văn và quảng bá hình ảnh đất nước, quê hương cho du khách trong và ngoài nước.
Du khách xem các công đoạn làm sản phẩm "giỏ cọng dừa" mà người thợ chỉ cần học vài ba ngày thì thuần thục các công đoạn như: ra nan, cột khung, đan, bính, quấn , nứt, ráp đáy giỏ và vô cây trữ vào kho chứa. Nghề đan giỏ cọng dừa ở Bến Tre đã xuất hiện trên 20 năm, ban đầu chỉ làm để phục vụ địa phương nhưng dần dần sản phẩm đã được biết trên cả nước. Chỉ xơ dừa có nhiều loại khác nhau như: Chỉ nệm, chỉ xơ cứng, chỉ xoắn, chỉ nệm tráng cao su, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trãi sàn,… Ngoài ra, các nhà máy chế biện các sản phẩm về dừa cũng tập trung tại 02 khu công nghiệp Giao Long và An Hiệp thuộc huyện Châu Thành và khu vực Phường 8, bên cạnh dòng sông Bến Tre.
Nhìn chung, cây dừa từ xa xưa đã gắn bó với đất và người Bến Tre trên mọi phương diện về kinh tế, văn hóa và đời sống của nhân dân nơi đây, kể cả trong thời chiến tranh hay thời bình, cây dừa vẫn sừng sững hiên ngang, chống chọi với bao sóng gió; vừa là cây công nghiệp, vừa là bạn của nhà vườn,… ngày nay không những thế mà cây dừa được sử dụng toàn phần từ thân, rễ, lá, trái non, trái già, vỏ, mụn, chỉ, xơ,…, đặc biệt là cây dừa đã góp phần trong ngành công nghiệp không khói tại quê hương xứ dừa rất lớn, nó làm cho loại hình du lịch sông nước miệt vườn thêm nhiều sinh động kể cả dừa trên bờ và dừa dưới nước, tạo nhiều sản phẩm lưu niệm đặc sắc giúp cho du khách hài lòng khi có một lần bước chân đến Bến Tre cũng như sẽ có nhiều hứa hẹn trở lại lần sau./.
Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.