Theo FAO Statistics, diện tích này tăng hơn nhiều và Việt Nam hiện có khoảng 160.000 ha dừa, tập trung chủ yếu ở vùng Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4,2% diện tích dừa của Indonesia, 4,5% diện tích dừa của Philippines, 8,4% diện tích dừa của Ấn Độ, 40,5% diện tích dừa của Sri Lanka. Tuy nhiên, năng suất dừa bình quân của Việt Nam đạt 5.625 trái/ha/năm tương đương 1,2 tấn copra/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC, chỉ đạt 0,9 tấn copra/ha), Philippines, Indonesia (0,85 tấn), Ấn Độ (1,1 tấn). Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Việt Nam hàng năm đạt khoảng trên 100 triệu USD, không cao so với các cây trồng khác như lúa, cà phê, cao su... So sánh với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: qui mô trồng và chế biến dừa của Việt Nam thuộc loại nhỏ. Trình độ phát triển trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến dừa của Việt Nam có thể xếp vào loại khá.
Từ khóa: so sánh, giá trị, đầu tư, khoa học kỹ thuật, thành công, bền vững
1. Mở đầu
Cây dừa, tên khoa học là Cocos nucifera, thuộc chủng “var. typica” có thể tìm thấy ven bờ biển và sâu trong nội địa các nước nhiệt đới nằm giữa hạ chí tuyến và đông chí tuyến. Vì vậy, cây dừa có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái khác nhau.
Ở nhiều nước nhiệt đới, cây dừa còn là một phần quan trọng trong thực đơn hàng ngày của mỗi gia đình. Sản phẩm chính từ cây dừa là cơm dừa chế biến thành dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, sữa dừa. Phần còn lại sau khi chiết dầu là thức ăn gia súc. Nước dừa từ những trái dừa non là thức uống được ưa chuộng. Thạch dừa làm từ nước dừa được xem là một thức ăn ngon, bổ dưỡng. Vỏ dừa cung cấp chất xơ quan trọng, còn gọi là xơ dừa, có thể được sử dụng làm dây thừng, thảm, lưới sinh thái. Gáo dừa chế biến làm than hoạt tính. Thay vì dùng cho việc tạo trái, hoa dừa với hàm lượng đường cao được chế biến làm thức uống có đường, rượu hoặc giấm. Lá dừa được dùng để lợp mái nhà. Cọng lá có thể được dùng làm chổi. Gỗ dừa ngày càng được dùng rộng rãi trong xây dựng hoặc các hàng thủ công mỹ nghệ. Không còn nghi ngờ gì nữa khi dừa được gọi là cây của cuộc sống “The tree of life”.
Trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu về dừa từ giống, kỹ thuật trồng, bảo vệ thực vật và chế biến các sản phẩm từ dừa. Qua các thông tin thu thập từ nhiều nguồn: Các Hội nghị quốc tế về dừa được tổ chức trong nước cũng như nước ngoài, các lớp đào tạo tập huấn về dừa ở một số nước, các thông tin thu thập trên mạng, sự tích lũy kiến thức chuyên môn về cây dừa trong công tác nghiên cứu, chúng tôi xin được trình bày một số công trình nghiên cứu về dừa của một số nước trên thế giới và Việt Nam. Điều khó khăn của chúng tôi là một số công trình nghiên cứu không có ở các thư viện và các cơ quan chuyên ngành của Việt Nam mà chúng tôi chỉ dựa vào các tài liệu trích dẫn của một số tác giả. Đây cũng là phần giới hạn của chuyên đề.
2. Nguồn gốc lịch sử và sinh học của cây dừa
Child R. (1974), dừa có nhiều tên gọi khác nhau nhưng từ “coco” được dùng gọi cây dừa đầu tiên. Tiếng “coco” được dùng để chỉ một giống khỉ hay một loài có mặt khỉ do liên hệ đến hình ảnh gáo dừa với ba con mắt. Để xác định nguồn gốc của dừa người ta dựa vào các bằng chứng:
- Các tài liệu nói về dừa và việc du nhập dừa vào một nước hay một địa điểm.
- Sự hiện diện của các loài tương cận với dừa ở một địa điểm.
- Các dòng nước đại dương và khả năng không mất mầm sống của trái trôi dạt trên biển.
- Sự hiện hữu của trái dừa hóa thạch.
- Mối liên hệ giữa dừa (và thiết bị chế biến dừa) với nếp sống của người dân bản xứ.
- Các loại dịch hại chuyên biệt cho dừa.
Theo Ohler (1984), có 2 thuyết đối nghịch nhau về nguồn gốc dừa:
1. Nguồn gốc Châu Mỹ
2. Nguồn gốc Châu Á hay Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Đến nay, vẫn chưa xác định được quốc gia nào trồng dừa đầu tiên. Giống dừa hoang được tìm thấy tại nhiều nước khác nhau: trên các quần đảo của Java, Indonesia, Queenland, Úc, và ở Phillipines. Hầu hết các rừng dừa trên khắp thế giới đều do con người thu hoạch, tuyển chọn giống và trồng.
Dừa thuộc ngành hiển hoa bí tử, nhóm đơn tử diệp, bộ Spacidiflorales, họ Palmae, giống cocos, loài nucifera, cây dừa có tên khoa học là Cocos nucifera L. Đặc tính giúp ta nhận ra bộ này là sự hiện diện của một mo bao lấy phát hoa. Trong loài này có 2 nhóm chính được ghi nhận là nhóm dừa lùn C.nucifera nana và nhóm dừa cao C.nucifera typica. Thân dừa không có vỏ cây, không có nhánh cũng không có tầng phát sinh gỗ và tăng trưởng thứ sinh. Dừa là cây một lá mầm đa niên, có số nhiễm sắc thể là 32. Khả năng sinh sản bằng hạt phấn rất cao ở các giống dừa cao và các giống dừa lai. Sự tự thụ phấn được ghi nhận ở hầu hết các giống dừa lùn. Ưu thế lai thường được sử dụng trong hầu hết các thử nghiệm lai tạo.
3. Tình hình sản xuất dừa một số nước trên thế giới
3.1 Diện tích, năng suất, sản lượng dừa trên thế giới
Theo Hiệp hội Dừa Châu Á - Thái Bình Dương, 2011, cây dừa được trồng ở 93 quốc gia vùng nhiệt đới với tổng diện tích 12,05 triệu ha vào năm 2010, trong đó diện tích dừa của các nước Châu Á - Thái Bình Dương là 10,62 triệu ha, chiếm 85,05%. Sản lượng cơm dừa khô thế giới 12,22 triệu tấn trong đó các nước Châu Á - Thái Bình Dương chiếm 84,27% [APCC, 2011]
Bảng 1. Diện tích, năng suất và Sản lượng dừa trên thế giới từ 1990 – 2010
Năm
|
1990
|
2000
|
2001
|
2010
|
Tỉ lệ
tăng
trưởng
(%/năm)
|
Diện tích (1.000ha)
|
|
|
|
|
|
Thế giới
|
10.808
|
11.711
|
11.795
|
12.059
|
0,89
|
APCC*
|
10.012
|
10.300
|
10.378
|
10.618
|
0,46
|
Sản lượng Copra
(triệu tấn)
|
|
|
|
|
|
Thế giới
|
9.301
|
10.584
|
10.939
|
12.217
|
2,41
|
APCC*
|
7.973
|
8.910
|
9.244
|
10.295
|
2,24
|
Năng suất Copra/ha
(triệu tấn)
|
|
|
|
|
|
Thế giới
|
0,86
|
0,90
|
0,93
|
1,01
|
0,34
|
APCC*
|
0,80
|
0,87
|
0,89
|
0,97
|
1,63
|
Ghi chú: * APCC: Hiệp hội dừa Châu Á - Thái Bình dương (Asian and Pacific Coconut Community)
Trong các nước Châu Á - Thái Bình Dương, Indonesia là nước có diện tích dừa 3,799 triệu ha và sản lượng 3,247 triệu tấn lớn nhất, kế đến là Philippines diện tích 3,56 triệu ha, sản lượng 3,03 triệu tấn.
Bảng 2. Diện tích dừa của các nước thuộc Châu Á - Thái Bình Dương
Quốc gia
|
1970
|
1980
|
1990
|
2000
|
2010
|
India
|
1.033
|
1.100
|
1.472
|
1.768
|
1.903
|
Indonesia
|
1.810
|
2.680
|
3.394
|
3.696
|
3.799
|
Malaysia
|
310
|
355
|
323
|
164
|
132
|
Papua New Guinea
|
247
|
221
|
260
|
260
|
260
|
Philippines
|
1.884
|
3.126
|
3.112
|
3.119
|
3.560
|
Samoa
|
28
|
42
|
47
|
96
|
96
|
Sri Lanka
|
466
|
451
|
419
|
442
|
395
|
Thailand
|
320
|
415
|
393
|
325
|
328
|
Vietnam
|
|
|
350
|
172
|
160
|
Nguồn: APCC, 2011
Cây dừa đóng một vai trò quan trọng trong các hộ gia đình ở các nước nhiệt đới. Có khoảng 70% dừa được tiêu thụ nội địa tại các nước sản xuất, hơn phân nửa là được tiêu thụ trái tươi. Phần còn lại được tiêu thụ ở dạng dầu thực vật hoặc dùng cho công nghiệp. Một cuộc nghiên cứu ở East Kalimantan, Indonesia cho thấy mỗi người tiêu thụ 7,5kg dầu dừa trong năm 2010 [APCC, 2011].
Bảng 3. Sản lượng dầu dừa so sánh với một số dầu thực vật khác trên thế giới
Năm
|
1960
|
1970
|
1980
|
1990
|
2000
|
2010
|
Tỉ lệ (%)
|
Dầu đậu nành
|
3.300
|
6.477
|
13.382
|
16.097
|
25.541
|
30.677
|
31
|
Dầu cọ
|
1.264
|
1.742
|
4.543
|
11.014
|
21.874
|
30.453
|
30
|
Dầu cải
|
1.099
|
1.833
|
3.478
|
8.160
|
14.466
|
14.850
|
15
|
Dầu hướng dương
|
1.788
|
3.491
|
5.024
|
7.869
|
9.700
|
9.440
|
9
|
Dầu đậu phộng
|
2.587
|
3.044
|
2.864
|
3.897
|
4.560
|
4.737
|
5
|
Dầu bông vải
|
2.325
|
2.503
|
2.992
|
3.782
|
3.864
|
4.393
|
4
|
Dầu dừa
|
1.949
|
2.020
|
2.717
|
3.387
|
3.281
|
3.017
|
3
|
Dầu Olive
|
1.339
|
1.442
|
1.701
|
1.855
|
2.540
|
2.891
|
3
|
Tổng cộng
|
15.651
|
22.552
|
36.701
|
56.601
|
85.826
|
100.458
|
100
|
* Nguồn APCC, 2011
Sản lượng dầu đậu nành chiếm nhiều nhất trên thế giới (31%), dầu cọ 30%, dầu dừa chỉ chiếm 3%.
3.2 So sánh một số chỉ tiêu cơ bản về ngành dừa của các nước
* Indonesia:
Năm 2011, diện tích dừa của Indonesia là 3,799 triệu ha với sản lượng trái đạt 16,235 tỷ trái, sản lượng cơm dừa đạt 3,247 triệu tấn. Trong đó xuất khẩu hàng năm 1,247 triệu tấn cơm dừa, chiếm 46,6% tổng sản lượng, tiêu thụ nội địa 0,957 triệu tấn, chiếm 38,7% tổng sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu dừa của Indonesia đạt 944 triệu USD năm, đóng góp 0,69% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Những mặt hàng xuất khẩu từ dừa chính của Indonesia là:1
- Dầu dừa: 649,255 ngàn tấn;
- Bã dừa: 247 ngàn tấn
- Cơm dừa nạo sấy: 56,3 ngàn tấn
- Sữa dừa: 31,161 ngàn tấn
- Than hoạt tính: 24,478 ngàn tấn
- Chỉ xơ dừa: 12,1 ngàn tấn
* Philippines 2
Năm 2011, diện tích dừa của Philippines chiếm 3,56 triệu ha với tổng số cây cho trái thu hoạch 341,3 triệu cây, sản lượng trái đạt 15,54 t ỷ trái tương đương sản lượng cơm dừa đạt 3,03 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu hàng năm 2,358 triệu tấn cơm dừa, chiếm 61,3% tổng sản lượng, tiêu thụ nội địa 0,825 triệu tấn (≈ 4,324 tỷ trái), chiếm 31,39% tổng sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu dừa của Philippines đạt 1,493 tỷ USD/năm, đóng góp 3,04% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, 1,14% GDP.
Những mặt hàng xuất khẩu từ dừa chính của Philippines là:
- Dầu dừa tinh khiết: 1,639 ngàn tấn;
- Dầu dừa tinh luyện: 847,6 ngàn tấn
- Bã dừa (khô dầu dừa): 435,2 ngàn tấn
- Cơm dừa nạo sấy: 142,6 ngàn tấn
- Than thiêu kết: 21,9 ngàn tấn
- Than hoạt tính: 20,3 ngàn tấn
- Bột sữa dừa: 1,000 ngàn tấn
- Sữa dừa: 1,310 ngàn tấn
- Thạch dừa: 5,133 ngàn tấn
- Nước dừa: 647,00 ngàn tấn
*Ấn Độ 3
Năm 2011, diện tích dừa của Ấn độ chiếm 1,903 triệu ha với sản lượng trái đạt 14,744 tỷ trái tương đương sản lượng cơm dừa đạt 2,1 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu hàng năm 1,671 ngàn tấn cơm dừa, tiêu thụ nội địa 2,39 triệu tấn cơm dừa (≈ 16,726 tỷ trái), nhiều hơn tổng sản lượng 13%. Kim ngạch xuất khẩu dừa của Ấn Độ đóng góp 0,10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Những mặt hàng xuất khẩu từ dừa chính của Ấn Độ là:
- Dầu dừa: 6,817 ngàn tấn;
- Bã dừa: 159 tấn
- Cơm dừa nạo sấy: 1,455 ngàn tấn
- Chỉ xơ dừa: 6,229 ngàn tấn
- Thảm xơ dừa các loại: 75,546 ngàn tấn
- Dây thừng: 456 tấn
- Xơ dừa lưu hóa: 1,444 ngàn tấn
- Các sản phẩm xơ khác: 3,497 ngàn tấn
*Sri Lanka4
Năm 2011, diện tích dừa của Sri Lanka chiếm 395 ngàn ha với sản lượng trái đạt 2,909 tỷ trái tương đương 556 ngàn tấn cơm dừa. Năng suất bình quân 7.364 trái ha năm. Trong đó, xuất khẩu hàng năm 38,2 triệu trái, tiêu thụ nội địa chiếm 83,8% tổng sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu dừa của Sri Lanka đạt 255,4 triệu USD/năm, đóng góp 3,2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Những mặt hàng xuất khẩu từ dừa chính của Sri Lanka là:
- Dầu dừa: 1,52 ngàn tấn;
- Bã dừa: 5,046 ngàn tấn
- Cơm dừa: 13,314 ngàn tấn
- Cơm dừa nạo sấy: 36,08 ngàn tấn
- Than thiêu kết: 2,947 ngàn tấn
- Than hoạt tính: 17,388 ngàn tấn
- Bột sữa dừa: 3,679 ngàn tấn
- Sữa dừa: 6,633 ngàn tấn
- Xơ dừa các loại: 86,134 ngàn tấn
- Chỉ, dây thừng: 5,391ngàn tấn
*Việt Nam 5
Theo FAO Statistics, diện tích dừa Việt Nam năm 2012 chỉ có 145.000 ha. Thật ra, trên thực tế diện tích dừa của Việt Nam nhiều hơn, hiện có khoảng 160.000 ha dừa, tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích dừa của Việt Nam chỉ bằng 4,2% diện tích dừa của Indonesia, 4,5% diện tích dừa của Philippines, 8,4% diện tích dừa của Ấn Độ, 40,5% diện tích dừa của Sri Lanka. Tuy nhiên, năng suất dừa bình quân của Việt Nam đạt 5.625 trái/ha/năm tương đương 1,2 tấn copra/ha, cao hơn mức bình quân của các nước thuộc Hiệp hội dừa Châu Á - Thái Bình Dương (APCC, chỉ đạt 0,9 tấn copra/ha), Philippines, Indonesia (0,85 tấn), Ấn Độ (1,1 tấn).
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước, chiếm 58.441 ha với đa dạng sinh học giống dừa. Các giống dừa chế biến công nghiệp như Ta, Dâu chiếm trên 80% cơ cấu giống dừa, năng suất từ 60-80 trái/cây/năm, còn lại là các giống dừa lùn dùng để uống nước như Xiêm xanh, Xiêm lục, Ẻo, năng suất đạt từ 80-120 trái/cây/năm, riêng giống dừa Ẻo đạt 200 -250 trái cây năm. Bên cạnh đó, còn có các giống có giá trị kinh tế cao như dừa Dứa, dừa Sáp (còn gọi là dừa Đặc ruột), giá gấp 5-10 lần giống dừa Ta, Dâu. Các sản phẩm dừa chủ yếu của tỉnh Bến Tre năm 2012 có sự tăng giảm không đều, kim ngạch xuất khẩu 363 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt 159 triệu USD, chiếm 43,8% kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh 6.
Các mặt hàng xuất khẩu từ dừa chính của tỉnh Bến Tre là:
- Dừa trái: 117,043 triệu trái đạt giá trị: 36,480 triệu USD
- Cơm dừa sấy khô: 12,128 ngàn tấn đạt giá trị: 24,718 triệu USD
- Bột sữa dừa: 733,90 ngàn tấn đạt giá trị: 3,257 triệu USD
- Sữa dừa đóng lon: 34,987 ngàn tấn đạt giá trị: 33,311 triệu USD
- Than gáo dừa: 4,620 ngàn tấn đạt giá trị: 1,456 triệu USD
- Than hoạt tính: 6,198 ngàn tấn đạt giá trị: 9,674 triệu USD
- Thạch dừa: 2,599 ngàn tấn đạt giá trị: 1,803 triệu USD
- Chỉ xơ dừa: 66,193 ngàn tấn đạt giá trị: 17,590 triệu USD
- Kẹo dừa: 5,468 ngàn tấn đạt giá trị: 7,068 triệu USD
- Lưới xơ dừa: 1,917 triệu m2 tấn đạt giá trị: 1,070 triệu USD
- Mụn dừa: 7,856 ngàn tấn đạt giá trị: 3,096 triệu USD
- Mụn dừa ép viên xả chát: 253,49 tấn đạt giá trị: 82,39 ngàn USD
- Thảm xơ dừa: 365,40 tấn đạt giá trị: 2,256 triệu USD
- Một số sản phẩm khác.
4. Nhận xét các khả năng cạnh tranh của ngành dừa Việt Nam
- So sánh với các ngành hàng khác trong nước: Cây dừa là cây trồng truyền thống của người dân các tỉnh phía Nam, nhưng vẫn mang tính chất nhỏ, kinh tế gia đình. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa của Việt Nam hàng năm đạt khoảng trên 100 triệu USD, không cao so với các cây trồng khác như lúa, cà phê, cao su...
- So sánh với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Qui mô trồng và chế biến dừa của Việt Nam thuộc loại nhỏ. Trình độ phát triển trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến dừa của Việt Nam có thể xếp vào loại khá.
5. Xu hướng phát triển dừa hiện đại
Về nông nghiệp
- Thay thế dần các vườn dừa lão, năng suất thấp bằng các giống dừa mới, có năng suất và giá trị kinh tế cao, thích nghi với điều kiện xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu.
- Đẩy mạnh công tác lai tạo và tuyển chọn giống dừa để tạo ra các giống dừa mới phù hợp với mục tiêu chế biến công nghiệp và du lịch sinh thái.
- Xây dựng qui trình canh tác hữu cơ hợp lý nhằm nâng cao độ phì của đất, sử dụng nguồn phân hữu cơ vi sinh, bồi bùn, các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại dừa, hạn chế sử dụng phân bón hóa học.
- Ưu tiên phát triển diện tích dừa để khai thác thế mạnh về giống, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật canh tác nhằm gia tăng năng suất và chất lượng của các giống dừa.
- Qui hoạch diện tích dừa chuyên canh, diện tích dừa xen canh nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và phát triển dừa bền vững.
- Qui hoạch các vườn dừa sinh thái tại các khu du lịch, vừa tạo cảnh quan, vừa tăng thêm diện tích, sản lượng dừa.
- Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng dừa đạt hiệu quả kinh tế cao.
- Có cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích người dân phát triển cây dừa.
Về công nghiệp chế biến
- Ngành công nghiệp chế biến dừa cần tập trung cải tạo và đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, với qui mô công nghiệp lớn, đảm bảo tính cạnh tranh với các hàng cùng loại của các nước khác.
- Có biện pháp bảo hộ nguồn nguyên liệu dừa trái; hạn chế trong việc xuất khẩu dừa trái để đảm bảo cho các nhà máy có đủ nguyên liệu chế biến.
- Xác định các sản phẩm chủ lực, tập trung đầu tư các sản phẩm chủ lực.
- Có chính sách đào tạo cán bộ quản lý và công nhân để nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn.
- Liên kết các doanh nghiệp cùng ngành chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau.
- Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vốn để phát triển công nghệ chế biến tổng hợp các sản phẩm từ trái dừa phù hợp với nguồn nguyên liệu.
- Phát huy vai trò của các Hiệp hội dừa Việt Nam, Hiệp hội dừa Bến Tre, Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có Dầu trong việc tạo mối liên kết giữa người trồng dừa, nhà khoa học, nhà chế biến và thị trường tiêu thụ, đồng thời kiến nghị với Nhà nước ban hành các chính sách ưu đãi cho sự phát triển về sản xuất dừa, chế biến và kinh doanh các sản phẩm dừa.
CHÚ THÍCH:
1. APCC 2014; http://www.apccsec.org/
2. APCC 2014; đã dẫn
3. APCC 2014; đã dẫn
4. APCC 2014; đã dẫn
5. Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị cây dừa”, Bến Tre, ngày 06 tháng 4 năm 2012
6. Nguyễn Tấn Phong 2012: Phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa của Bến Tre, Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị cây dừa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Child R. 1974: Coconuts., London, Longman Group Ltd., 2nd edition, xvi + 335 pp, Modern Coconut Management", Ohler, 1999.
2. Nguyễn Tấn Phong 2012: Phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm dừa của Bến Tre, Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị cây dừa.
3. Ohler J.G. 1984: Coconut, tree of life. Food and Agricultural Organization of the United Nations, Rome.
4. Tạp chí APCC 2014; http://www.apccsec.org/
5. UBND tỉnh Bến Tre 2012: Tài liệu Hội thảo nâng cao chuổi giá trị cây dừa, Festival dừa Bến Tre lần III, 2012.
Bài đăng trong: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Cây dừa Việt Nam - Giá trị và tiềm năng",
do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh in và phát hành tháng 8 năm 2014.