XU HƯỚNG TRONG NGÀNH THỰC PHẨM - ĐỒ UỐNG
Chuyển đổi kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo: Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, Internet và blockchain ngày càng có nhiều ứng dụng trong ngành thực phẩm - đồ uống, giúp cải thiện hiệu quả chuyên môn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Thực phẩm bền vững và phát triển bền vững: Nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm bền vững và thân thiện môi trường không ngừng gia tăng. "Năng lượng tái tạo", "lượng phát thải khí nhà kính thấp", “nuôi thả”, “thương mại công bằng”, “không có hormone”… là các tiêu chuẩn được mong đợi và tìm kiếm rất nhiều ở các sản phẩm thực phẩm.
Chế độ ăn nhiều rau xanh và thực phẩm nguồn gốc thực vật: Ngày càng có nhiều người tiêu dùng áp dụng chế độ ăn chay hoặc thuần chay, cũng như cắt giảm lượng tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ động vật. Theo Datassential, 2/3 người tiêu dùng Mỹ hoàn toàn hoặc rất quan tâm tới protein từ thực vật, và 1/4 cho biết protein thực vật đã trơ nên quan trọng hơn trong chế độ ăn uống của họ so với trước đây.
Chế độ ăn tốt cho sức khỏe: Nhiều thói quen ăn uống đã thay đổi để hướng tới các mục tiêu sức khỏe: ăn kiêng có lợi cho tim và low-carb là 2 chế độ ăn uống thực hành nhiều nhất trong năm 2022 tại Mỹ ; cũng như nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng toàn cầu về các thực phẩm không gây dị ứng và các sản phẩm ít đường (một nửa số người tiêu dùng toàn cầu cho biết rất chú ý đến lượng đường nạp vào cơ thể họ). Dinh dưỡng trong bữa sáng được đặt lên hàng đầu, cũng như việc sử dụng thực phẩm bổ sung (vitamin D, C, kẽm…) cũng tăng trưởng ổn định trở lại.
Lên men: Sử dụng các thực phẩm lên men tiếp tục là xu hướng đang lên. Kombucha, kimchi, kefir hay miso là các loại thực phẩm được chú ý rất nhiều.
Các loại đồ uống không cồn/ít cồn: Doanh thu toàn cầu ngành đồ uống không cồn/ít cồn đã đạt 11 tỉ USD trong năm 2022, với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm CAGR 7% tới năm 2026.
Thực phẩm hữu cơ và thực phẩm không biến đổi gen: Hữu cơ, không biến đổi gen và không chứa gluten là 3 trong số những đặc tính được tìm kiếm nhiều nhất trong các sản phẩm thực phẩm. Những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà sản xuất quay sang loại hình nông nghiệp hữu cơ, cung cấp nhiều lựa chọn hữu cơ đa dạng hơn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm từ canh tác thủy canh cũng được ưa chuộng, đặc biệt ở nhóm người trẻ (gen Z và gen Y).
Thịt nhân tạo: thịt và hải sản nuôi cấy từ tế bào động vật có thể là yếu tố thay đổi cục diện thị trường trong những năm tới, và là vấn đề được người tiêu dùng quan tâm đặc biệt.
Nhu cầu về sự tiện lợi: Nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm và nguyên liệu tiện lợi giúp nâng tầm trải nghiệm nấu nướng tại nhà: các loại nước xốt và gia vị cầu kì giúp dễ dàng thực hiện các món ăn phức tạp tại gia, các đồ ăn chế biến sẵn của các nền ẩm thực quốc tế (Ý, Mexico, Trung Quốc, Nhật, Hy lạp, Thái, Hàn Quốc là các ẩm thực nước ngoài được ưa chuộng hàng đầu), cũng như các sản phẩm dùng trong các công thức nấu nướng bằng nồi chiên không dầu, nồi áp suất điện...
THỰC PHẨM HỮU CƠ Ở CHÂU ÂU: MỘT THẬP KỈ TĂNG TRƯỞNG
Diện tích nuôi trồng hữu cơ ở các quốc gia thành viên EU:
· Pháp: với hơn 2,5 triệu hecta diện tích nuôi trồng hữu cơ vào năm 2020, Pháp vươn lên vị trí dẫn đầu, vượt qua Tây Ban Nha. Pháp sản xuất 1/5 sản lượng sữa hữu cơ của châu Âu, cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn thứ hai châu Âu, sau Đức. Trung bình một người Pháp chi tiêu 188 EUR / năm cho các sản phẩm hữu cơ vào năm 2021.
· Áo: quốc gia thuộc EU có tỷ trọng nông nghiệp hữu cơ lớn nhất. 58% diện tích hữu cơ của Áo là các đồng cỏ và 20% là diện tích trồng ngũ cốc. 17% sản lượng sữa sản xuất là sữa hữu cơ. Đây cũng là quốc gia đứng thứ ba về mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên đầu người (254 EUR / năm).
· Ba Lan: nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai tại Ba Lan. Các lợi ích kinh tế từ nông nghiệp hữu cơ chưa được nhìn nhận, đặc biệt khi người dân Ba Lan tiêu thụ rất ít thực phẩm hữu cơ (10 EUR / người / năm).
· Romania: Tỷ trọng nuôi trồng hữu cơ còn thấp nhưng quốc gia này ghi nhận sự gia tăng mạnh về diện tích được chuyển đổi. Trứng và nuôi ong là hai lĩnh vực tăng trưởng nhanh, trong khi sữa hữu cơ chứng kiến lượng sản xuất giảm một nửa trong giai đoạn 2014-2020. Nhu cầu trong nước còn rất thấp, nhưng chính phủ đặt niềm tin vào xuất khẩu và du lịch nông nghiệp.
CH Séc: Cùng với Estonia, đây là nước dẫn đầu về tỉ trọng hữu cơ trong số các nước mới gia nhập EU. 82% diện tích hữu cơ là các đồng cỏ, phản ánh tỉ lệ hữu cơ cao trong chăn nuôi ở Séc: 40% cừu, dê và 20% bò thịt. Các sản phẩm này chủ yếu hướng tới xuất khẩu.
Các sản phẩm hữu cơ thường gặp là đồng cỏ, thức ăn gia súc và cây trồng lâu năm. Ngũ cốc và cây công nghiệp hữu cơ chiếm tỉ trọng ít hơn, tuy nhiên các sản phẩm này có mức tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2014-2020 (lần lượt là 9% và 15%). Diện tích đồng cỏ hữu cơ tăng trưởng ở mức 6% trong giai đoạn này.
Chăn nuôi hữu cơ vẫn chiếm tỉ trọng thấp:
Tuy rằng ngành này đã phát triển nhanh chóng trong giai đoạn 2014-2020, tỷ trọng chăn nuôi hữu cơ vẫn rất nhỏ ở châu Âu. Việc chuyển đổi sang chăn nuôi hữu cơ ở các khu vực chăn thả rộng (trong nuôi bò, cừu, dê) gặp các thách thức về mặt kĩ thuật, trong khi lợi ích kinh tế mang lại chưa nhiều. Với các hệ thống chăn nuôi liên quan tới cung cấp thức ăn (nuôi lợn, gà), việc chuyển đổi sang hướng hữu cơ còn phức tạp hơn nhiều.
TRIỂN LÃM CHUYÊN NGÀNH
Maison&Objet:
Paris, Pháp - 07-11/09/2023
Maison&Objet là triển lãm hàng đầu châu Âu chuyên ngành trang trí, thiết kế nội thất và phong cách sống, diễn ra 2 lần trong năm tại Paris, Pháp, quy tụ trung bình 3.000 nhãn hàng trưng bày tại mỗi kỳ triển lãm.
SIAL Jakarta:
Jakarta, Indonesia - 08-11/11/2023
Trực thuộc SIAL Network, hệ thống triển lãm lớn nhất thế giới trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, SIAL Jakarta tập hợp các doanh nghiệp lớn định hình ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống khu vực Đông Nam Á. Sự kiện quy tụ hơn 800 nhà trưng bày tại mỗi kỳ triển lãm.