Sáng ngày 22 tháng 9 năm 2022, Hiệp hội Dừa Bến Tre tiếp và làm việc với Viện Quy hoạch &Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội Dừa Việt Nam bàn về một số nội dung liên quan đến ngành dừa và cung cấp thông tin xây dựng đề án “Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”.
Hiện nay, diện tích dừa cả nước khoảng 188 ngàn ha, sản lượng 1,9 triệu tấn; trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích lớn nhất, khoảng 77 ngàn ha (chiếm trên 40% diện tích dừa cả nước), sản lượng 670 ngàn tấn (chiếm 35%). Hiện có trên 200 sản phẩm được làm từ cây dừa, đem lại nguồn thu lớn cho người dân. Ngày 20/6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã ban hành Quyết định số 2207/QĐ-BNN-TT phê duyệt nhiệm vụ xây dựng đề án Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Đối tượng của đề án gồm cà phê, cao su, chè, điều, tiêu và dừa. Đề án dự kiến phê duyệt vào cuối năm 2023, với mục tiêu xác định được định hướng và giải pháp phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cây công nghiệp chủ lực Việt Nam trên thị trường quốc tế. Khi đề án được phê duyệt sẽ làm cơ sở để địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phát triển cây dừa trong thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và đời sống của người dân trồng dừa trên cả nước nói chung và Bến Tre nói riêng.
Thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022 được giao theo Quyết định số 2207/QĐ-BNN-TT ngày 20/06/2022 của Bộ NN&PTNT về việc xây dựng đề án “Phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030”, bao gồm 6 cây: cây cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu và cây dừa. Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (TKNN) tổ chức triển khai đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 tại các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến phát triển cây công nghiệp ở Trung ương và địa phương (Các Cục, Vụ có liên quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ); các tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây công nghiệp). Kết quả điều tra là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao phát triển cây công nghiêp chủ lực đến năm 2030.
Để có căn cứ thực hiện đề án phát triển cây dừa đến năm 2030, Viện Quy hoạch và TKNN dự kiến tổ chức Đoàn làm việc với Sở Nông nghiệp & PTNT và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh. Nội dung làm việc gồm các vấn đề chính sau:
1/ Đánh giá thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ, các yếu tố nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh, tính bền vững, xác định các tồn tại và tiềm năng chưa được phát hiện, khai thác cây dừa đến năm 2030;
2/ Đề xuất định hướng phát triển ngành hàng dừa Việt Nam đến năm 2030;
3/ Đề xuất hệ thống các giải pháp phát triển ngành hàng dừa đến năm 2030;
Hiệp hội Dừa Bến Tre đã cung cấp một số tài liệu đoàn cần thu thập, như: Danh sách thành viên Hiệp hội dừa, Báo cáo tổng kết năm của Hiệp hội Dừa. Hiệp hội cũng đã trao đổi với đoàn một số vấn đề, như: Các đề án, dự án về sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa; Các chương trình, dự án, đề án có liên quan đến tái sử dụng phế phụ phẩm phấm dừa và thực trạng sử dụng nguồn phế, phụ phẩm từ cây dừa; Công tác xúc tiến thương mại cho cây dừa ở Việt Nam đã và đang được thực hiện như thế nào?; Đánh giá những kết quả đạt được trong sản xuất dừa của Việt Nam trong thời gian qua; Đánh giá về hiệu quả kinh tế của cây dừa đem lại so với các loại cây khác; Các chính sách hỗ trợ phát triển cây dừa; Phương hướng phát triển sản xuất; Các thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa trong thời gian qua; Các kiến nghị đề xuất để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ dừa trong thời gian tới...
Nhìn chung, việc chuẩn bị các nội dung, tài liệu liên quan và cử cán bộ làm việc với đoàn công tác đúng thời gian, đúng nội dung và có hiệu quả.
HHD Bến Tre tổng hợp.